Băn khoăn chung quanh đề xuất quản lý Grab, Uber như ta-xi

08:13, 22/03/2018

Tại cuộc họp bàn về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NÐ-CP về kinh doanh vận tải (gọi tắt là NÐ 86) mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định sẽ đưa loại hình "ta-xi công nghệ" Grab, Uber về quản lý như ta-xi truyền thống. Vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi trái chiều trong dư luận, nhiều ý kiến cho rằng, quản lý vận tải công nghệ như ta-xi truyền thống là "bước lùi" trong xu thế tiếp cận công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Hình hài" nào cho Grab, Uber?

Các tranh cãi về Grab, Uber bắt nguồn từ việc định danh một cách chính xác nhất đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này. Trong khi nhiều cơ quan quản lý cho rằng đây là hình thức kinh doanh vận tải hành khách thì Grab, Uber lại khẳng định họ chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối gọi xe. Chính điều này tạo ra nhiều bất cập trong quản lý hoạt động của Grab, Uber dù thời gian thí điểm đã tiến hành hơn hai năm. Vấn đề quản lý loại hình Grab, Uber đã được đại diện các đơn vị của ngành giao thông bàn luận; trong đó, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều khi "hình hài" của ta-xi công nghệ vẫn chưa có tên gọi chính thức là ta-xi hay xe hợp đồng. Tưởng chừng câu chuyện tranh cãi này chưa thể tới hồi kết thì tại cuộc họp bàn về dự thảo Nghị định thay thế NÐ 86, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã khẳng định, bản chất hoạt động của Grab, Uber tại Việt Nam là hoạt động kinh doanh vận tải ta-xi ứng dụng công nghệ, kết nối giữa hành khách, lái xe và chủ hãng. Do đó, dự thảo phải làm thật chặt chẽ và cần đưa ra các quy định, chế tài để các đơn vị này hoạt động đúng theo quy định pháp luật của Việt Nam cũng như các quy định của WTO.

Theo yêu cầu của người đứng đầu Bộ GTVT, những quy định mới phải bảo đảm được lợi ích người sử dụng, lúc đó mới cho Grab, Uber chính thức hoạt động. "Sửa NÐ 86 phải nêu được các quy định quản lý được Uber như một hãng ta-xi. Nếu không quản được Grab, Uber theo hướng này thì dứt khoát không trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Grab, Uber hay ta-xi truyền thống thì bản chất đều như nhau. Grab, Uber chỉ áp dụng công nghệ để kết nối hành khách với phương tiện và Grab cũng lấy tên gọi là GrabTaxi, vậy tại sao lại không thừa nhận mình là ta-xi? Nếu Grab, Uber chấp thuận hoạt động, chịu sự quản lý như ta-xi truyền thống thì Bộ GTVT đồng ý" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Tổ soạn thảo phải nghiên cứu, có biện pháp xử lý được vấn đề trách nhiệm của Grab, Uber trong quản lý lái xe. Các đơn vị này phải ký hợp đồng lao động với lái xe, chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố với hành khách, có thể ràng buộc được trách nhiệm của lái xe và hãng ta-xi truyền thống. Lái xe Uber, Grab phải có hợp đồng lao động chặt chẽ để có thể quy trách nhiệm được ngay. Sau khi ban hành Nghị định mới thay thế NÐ 86, sẽ kết thúc đề án thí điểm, nếu Grab, Uber là kinh doanh công nghệ cao thì Bộ GTVT không quản lý, mà sẽ chuyển giao cho Bộ Công thương. "Sử dụng công nghệ mới để hoạt động dịch vụ vận tải, cơ quan quản lý rất hoan nghênh, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật, đúng trách nhiệm các bên. Ngoài ra, hoạt động Grab, Uber cũng phải công khai, minh bạch về giá cước, nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước. Ðặc biệt, phải bảo đảm được an toàn cho người dân, không để người dân cảm thấy bất an. Bất cứ sự việc gì xảy ra đối với người dân phải có cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Nhiều ý kiến trái chiều

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa ta-xi truyền thống và ta-xi công nghệ. Grab, Uber không còn là xe hợp đồng điện tử dạng kinh tế chia sẻ mà hoạt động như ta-xi thông thường. Nhiều người đầu tư xe mới để chạy Grab, Uber thường xuyên như ta-xi. Do đó, cần khống chế số lượng xe Grab, Uber và địa bàn hoạt động giống như ta-xi truyền thống; có các tiêu chuẩn về lái xe, giám sát an toàn giao thông,... GS, TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường đại học GTVT cũng đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng GTVT về nhận diện Grab, Uber. Ðây là loại hình kết nối sử dụng công nghệ hiện đại có nhiều ưu việt, giúp người dân được hưởng lợi, khách hàng có quyền lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình, vấn đề giá cước, thời gian chờ đợi cũng minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, đối với Grab, Uber cũng còn một số vấn đề cần làm rõ: lợi ích của Nhà nước (thu thuế, kiểm soát, quản lý) thế nào và môi trường kinh doanh có bình đẳng so với ta-xi truyền thống hay không? Vấn đề về quyền lợi của hành khách và lái xe Grab, Uber vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.

Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng GTVT, Giám đốc Grab Việt Nam G.Lim đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Ông G. Lim cho rằng, lợi thế của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ biến mất nếu bị buộc phải áp dụng mô hình kinh doanh như công ty ta-xi. "Ðịnh danh Grab là công ty ta-xi không chỉ phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0" - ông G.Lim nói. Theo đó, Grab Việt Nam đang hợp tác kinh doanh với hàng trăm đối tác là công ty vận tải và hợp tác xã, những người đang hưởng lợi từ việc kết nối và hợp tác với nền tảng công nghệ mở của Grab. Việc sở hữu và quản lý đội xe chính là thế mạnh của các đối tác này và họ sẽ phải chịu cảnh sụt giảm doanh thu nếu họ bị "quản" như ta-xi. Ðồng thời, các lái xe muốn sử dụng xe cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải thông qua ứng dụng Grab để tăng thêm thu nhập, họ không muốn chịu cảnh phải đội lốt của hãng ta-xi, bị bó buộc về thời gian, khoán doanh thu và ép chia doanh số với hãng như trước đây.

Theo anh Trần Lê Hoàn, một lái xe Grab, trước khi chạy xe Grab, anh cũng đã có thời gian vài năm làm lái xe ta-xi ở Hà Nội. Theo anh, làm lái xe ta-xi rất mệt mỏi vì chạy theo lệnh điều động của hãng, phải bảo đảm đủ doanh số, chỉ tiêu. Nếu không đủ, phải chạy thêm ở ngoài bằng cách lòng vòng dọc đường đón khách,... Nhiều lái xe cũng tỏ ra hoang mang, lo lắng về số phận của mình trước thông tin này, đồng thời cho rằng, cơ quan quản lý đang quá chú tâm đến việc định danh Grab, Uber mà bỏ qua quyền lợi của lái xe và cả người tiêu dùng. Chạy ta-xi cho hãng, lái xe là người làm thuê, còn chạy Grab, lái xe làm chủ hoàn toàn, rất thoải mái. Nếu quản lý theo cách "bỏ chung vào một giỏ" như vậy, một số người tham gia chạy Grab, Uber sẽ không còn là lao động chủ động, chạy bán thời gian như một công việc thứ hai,... Hiện nay, thu nhập của lái xe đã được công khai trong phần mềm và đóng thuế thu nhập cá nhân đầy đủ theo quy định của pháp luật. Còn những người từng đi xe Grab, Uber hầu hết đều đánh giá cao ta-xi công nghệ đem lại nhiều lợi ích cho họ, bởi dịch vụ tốt, giá cước rẻ và công khai, minh bạch. Nếu cơ quan nhà nước không quản được thì cấm, vô hình trung đã đi ngược với tiêu chí quản lý hiện đại, bỏ qua quyền lợi của người dân.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và người tiêu dùng, vấn đề ở đây là Nhà nước cần xác định sẽ quản lý Grab và Uber như thế nào? Nếu trước đây quản lý chưa tốt, cần phải tìm ra phương cách quản lý tốt hơn, trước đây thiếu tính cạnh tranh thì nay tạo khung quản lý cạnh tranh. Cần quản lý những loại hình mới bằng nghị định và thông tư để tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Phần lớn người dân ủng hộ Grab và Uber vì loại hình này mang lại nhiều tiện ích cho họ. Cái khó hiện nay của Bộ GTVT là phải định danh được Grab và Uber thuộc loại hình kinh doanh gì, tiếp đến là phải xây dựng hành lang pháp lý cụ thể và có biện pháp quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, không thể chỉ chú trọng việc quản lý của mình mà bỏ qua quyền lợi của lái xe và người dân. Người tiêu dùng ủng hộ những tiến bộ mới, loại hình kinh doanh mới, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng và đây là xu thế tất yếu không thể thay đổi. Các cơ quan quản lý cần tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của ta-xi công nghệ.