Người đi bộ vẫn còn chủ quan khi tham gia giao thông

10:10, 09/03/2018

Mặc dù đã có quy định dành riêng cho người đi bộ nhưng một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan khi sang đường không đúng quy định, không chú ý quan sát, leo qua dải phân cách… Những hành vi này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho chính người đi bộ và các phương tiện lưu thông trên đường. Ghi nhận của chúng tôi tại địa bàn T.X Phổ Yên.

T.X Phổ Yên là một trong những địa bàn tập trung đông dân cư và người lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Cùng với đó, địa bàn cũng có tuyến Quốc lộ 3 cũ chạy qua với chiều dài hơn 12km nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá lớn, kéo theo tình trạng vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường bộ cũng không ít.  

Quan sát tại khu vực cổng UBND thị xã (thuộc phường Ba Hàng) và Khu công nghiệp Yên Bình, chúng tôi thấy, ngoài các phương tiện tham gia giao thông thì lượng người đi bộ cũng khá đông, nhất là buổi sáng sớm và chiều tối. Điều đáng nói là người đi bộ dàn thành hàng hai hàng ba, đi xuống cả lòng đường, tiện ở đâu là sang đường ở đó. Thậm chí có những người đi sang đường còn sử dụng điện thoại, nghe nhạc hoặc vô tư trò chuyện mà không chú ý quan sát, khi xe máy hoặc ô tô đi tới gần mới giật mình băng nhanh sang đường khiến chủ phương tiện gặp khó khi xử lý. Khi được hỏi, hầu hết mọi người đều biện minh cho hành vi của mình bằng nhiều lý do khác nhau.

Bà Dương Thị Mây ở xã Trung Thành cho biết: Mặc dù biết sang đường ở những nơi không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ là sai quy định nhưng vì thấy người khác đi nên tôi cũng đi theo. Hay chị Nguyễn Kim Dung, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên lại cho rằng: Đối với nhiều công nhân, việc sử dụng điện thoại trong lúc đi bộ trên đường gần như đã trở thành thói quen, bởi trong giờ làm việc họ ít hoặc không được sử dụng điện thoại nên đã tranh thủ thời gian này để giải quyết việc riêng… 

Theo Đại úy Dương Trần Quyết, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự cơ động, Công an T.X Phổ Yên, tại các điểm tập trung đông dân cư, điểm kinh doanh lớn (nhà hàng, siêu thị, bưu điện…) thì lượng người đi bộ thường đông hơn. Chính sự chủ quan của người dân đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân liên quan đến hành vi vi phạm nguyên tắc của người đi bộ. Cụ thể, trong 3 năm gần đây trên địa bàn T.X Phổ Yên đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến người đi bộ làm 5 người chết, 1 người bị thương và thiệt hại tài sản hàng chục triệu đồng. Điển hình là vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại tổ dân phố 4, phường Ba Hàng vào tháng 12-2017, làm 4 người trong một gia đình tử vong khi đi bộ sang đường khiến nhiều người vẫn  chưa hết bàng hoàng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do 4 người trên sang đường không đúng quy định, cùng với đó là chủ phương tiện đã không làm chủ được tốc độ nên đã đâm va vào những người này...

Mặc dù việc đưa ra quy định xử phạt đối với người đi bộ đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP nhưng trên thực tế, công tác xử lý vi phạm giao thông đối với người đi bộ còn gặp nhiều khó khăn. Bởi thói quen cũng như ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông còn chưa cao, bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ cũng là một nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trên.

Nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông từ việc đi bộ, ngoài việc tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh phổ thông, T.X Phổ Yên đã có công văn kiến nghị các cơ quan chuyên môn hoàn thiện hệ thống biển báo, sơn vạch kẻ đường trên một số tuyến đường để đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông. Năm 2017, ngoài vạch sơn kẻ đã có tại ngã tư phường Ba Hàng, Công ty CP Quản lý đường bộ 238 cũng đã tiến hành kẻ vạch sơn dành cho người đi bộ tại 3 điểm trên tuyến Quốc lộ 3 cũ là cổng Bưu điện thị xã, cổng UBND Thị xã và tổ dân phố 5 thuộc phường Ba Hàng. Riêng tại Khu công nghiệp Yên Bình, Đội Cảnh sát giao thông trật tự cơ động không chỉ thường xuyên tuần tra, kiểm soát tình hình giao thông trên tuyến đường quanh Khu công nghiệp mà còn phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ (Bộ Công an) tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặc biệt là các đối tượng đi vào đường cao tốc...

Như vậy, để đảm bảo an toàn cho chính mình và các phương tiện lưu thông trên đường, người đi bộ cần chấp hành đi trên lề đường, hè phố và chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ... Đối với các chủ phương tiện cũng nên tập trung lái xe để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.