Thỏa niềm mong những cây cầu

07:35, 16/03/2018

“Tên là suối Cạn nhưng có nước chảy quanh năm, mùa mưa, nước suối thường xuyên dâng cao khiến hơn 40 hộ dân bị cô lập. Khi lũ về, người dân muốn qua suối buộc phải đi bộ vòng xa hoặc trèo qua máng nước bất chấp rủi ro. Nay cầu cứng đang được xây, bà con rất vui mừng”. Bà Kiềng Thị Nữ, Trưởng xóm Đèo Ngà, xã Bình Long (Võ Nhai), bộc bạch như vậy trong niềm phấn khởi.

Xóm Đèo Ngà có 113 hộ tuyệt đại đa số là người dân tộc Nùng (tỷ lệ hộ nghèo còn trên 40%), trong đó có hơn 40 hộ cuối xóm bị ngăn cách bởi dòng suối Cạn, xung quanh là núi đá. Nhiều năm không có cầu nên việc giao thương của người dân gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở. Khi nước lên cao, nếu có việc bắt buộc, mọi người phải đi bộ vòng xa hoặc mạo hiểm trèo qua chiếc máng nước thủy lợi nhỏ bắc ngang suối. Ông Hoàng Văn Tỵ, một người dân có nhà cạnh suối Cạn nói: Đã từng có người trong xóm chết đuối khi cố lội qua suối nên bị nước cuốn trôi. Thương nhất là các cháu học sinh bởi nước dâng cao là phải nghỉ học, khi dòng nước thấp hơn thì bố mẹ cũng phải cõng qua suối. Vài năm trước, có cháu bị ngã khi đang trèo qua máng nước để đến trường, may không rơi xuống dòng suối nhưng cũng bị thương tích khá nặng. Chúng tôi rất mong có một cây cầu và nay sắp thành hiện thực, vui lắm!.
 
Ông Nguyễn Văn Côn, Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết: Người dân xóm Đèo Ngà đã nhiều lần đề nghị xây cầu qua suối Cạn nhưng địa phương không có kinh phí. Khi có chủ trương xây cầu, xã và xóm đã tích cực vận động nhân dân hiến đất đáp ứng tiến độ đầu tư… Theo anh Lục Văn Vững, cán bộ kỹ thuật của nhà thầu thi công thì cầu Đèo Ngà được khởi công từ cuối tháng 1, có chiều dài 6m (chưa kể đường dẫn 2 bên). Hiện, đơn vị đang tập trung nhân lực thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, phấn đấu hoàn thiện công trình vào tháng 6 khi giai đoạn cao điểm của mùa lũ bắt đầu.
 
Cũng tại huyện vùng cao Võ Nhai, người dân xóm Đồng Dong (xã La Hiên) và vùng lân cận được hưởng niềm vui sớm hơn bà con ở Đèo Ngà vì cây cầu bắc qua suối Đồng Dong đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu sử dung được. Xóm Đồng Dong có 120 hộ dân phần lớn là người dân tộc Cao Lan, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Trước khi có cầu mới, bà con phải đi qua cây cầu làm từ hàng chục năm trước chỉ rộng hơn 2 mét, mặt cầu bằng ván tạm bợ. Bà Vũ Thị Hường, một người dân sống gần cầu nói: Đi qua cầu cũ nguy hiểm lắm. Cầu mới xây vừa đẹp vừa chắc chắn, mọi người đều vui…
 
Cầu Đèo Ngà và cầu Đồng Dong là 2 trong số 34 cây cầu (có tổng vốn đầu tư trên 112 tỷ đồng) đã, đang và sẽ được xây dựng trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (trừ T.P Thái Nguyên); thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (gọi tắt theo tiếng Anh là LRAMP), từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của các địa phương - Dự án đang được triển khai trên nhiều tỉnh, thành. Như thấu hiểu nỗi vất vả, thiệt thòi, niềm khao khát của người dân, Dự án gồm những cây cầu nhỏ (vốn đầu tư trung bình khoảng 3 tỷ đồng/cầu) được ưu tiên xây dựng tại những nơi khó khăn, bức thiết nhất về giao thông, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
 
Tại Thái Nguyên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh được giao đại diện UBND tỉnh triển khai Dự án: Thực hiện một số công việc của đại diện chủ đầu tư (cùng với Ban Quản lý dự án 3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam); chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ; kiểm soát chất lượng, tiến độ công trình… Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Do tính chất cấp thiết và ý nghĩa lớn về mặt dân sinh của Dự án nên Ban cùng với các cơ quan và địa phương liên quan đã chủ động, tích cực triển khai các phần việc, hiện tiến độ chung đang đáp ứng yêu cầu dù gặp không ít khó khăn. Điển hình là việc vận động xã hội hóa toàn bộ đối với công tác chuẩn bị đầu tư (đáng ra, ngân sách tỉnh phải đối ứng)… 
 
Cũng theo ông Phạm Quang Anh, dù các địa phương liên quan đều khá tích cực phối hợp triển khai Dự án, nhất là việc vận động nhân dân hiến đất để giải phóng mặt bằng, nhưng nhiều nơi vẫn gặp khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là bởi một số người dân yêu cầu được hỗ trợ khi hiến nhiều đất và tài sản trên đất. Đặc biệt, việc bố trí kinh phí rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ thi công là trách nhiệm của cấp huyện nhưng phần lớn các địa phương do ngân sách eo hẹp nên không đáp ứng được. Để giải quyết hai vấn đề khó khăn, vướng mắc lớn nhất này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tích cưc xã hội hóa, huy động sự đóng góp, hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân.
 
Với sự nỗ lực của các cơ quan, địa phương liên quan, đặc biệt là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, sự đồng thuận sớm của đại đa số người dân có đất bị ảnh hưởng, đến nay chỉ sau gần 1 năm triển khai đã có 4 cây cầu (thuộc huyện Phú Lương) của Dự án thành phần 1 hoàn thành đưa vào sử dụng (tại Thái Nguyên, Dự án được chia làm 5 thành phần); Dự án thành phần 3 gồm 7 cầu (3 cầu thuộc huyện Phú Bình, 4 cầu thuộc huyện Võ Nhai, trong đó có cầu Đèo Ngà và Đồng Dong) thì 4 cầu đã cơ bản hoàn thành, dù Dự án mới được phê duyệt từ cuối tháng 11-2017; số còn lại phần lớn đã xong các bước chuẩn bị thi công, dự kiến hoàn thành vào quý I/2019.
 
Hàng nghìn người dân tại những vùng khó khăn nhất về giao thông của tỉnh đã và sẽ được thỏa niềm mong mỏi có những cây cầu, dù nhỏ nhưng vô cùng thiết thực với họ. Hiện Dự án còn nhiều khối lượng công việc nên rất cần thêm sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp, ngành, sự đồng thuận của người dân trong thời gian tới…/