Xe buýt được biết đến là một trong những phương tiện giao thông công cộng hữu ích nhất tính đến thời điểm hiện tại. Ở Thái Nguyên, những chiếc xe buýt đầu tiên xuất hiện vào năm 2007 và dần phát triển, hình thành mạng lưới vận tải công cộng nối kết các huyện, thành, thị. Không chỉ an toàn, tiện lợi, loại phương tiện này còn hứa hẹn góp phần hạn chế ùn tắc giao thông
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), tính đến nay, tổng số phương tiện trên địa bàn tỉnh (bao gồm: ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe máy điện) đạt gần 790.000 phương tiện, và trung bình mỗi năm, con số này lại tăng lên từ 10-12%. Điều này có nghĩa là với đà tăng trưởng như trên, chẳng mấy chốc Thái Nguyên sẽ rơi vào cảnh ùn tắc như nhiều thành phố lớn khác hiện nay.
Từ cuối năm 2004, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng Quy hoạch phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, xe buýt được xem là trung tâm trong chiến lược phát triển hệ thống vận tải công cộng. Bởi lẽ, theo tính toán của giới chuyên môn, một xe buýt thông thường với sức chở trung bình là 40-45 người có thể giúp giảm mức độ ách tắc xuống từ 4-5 lần so với các phương tiện cá nhân khác, do diện tích mặt đường chiếm dụng cũng nhỏ hơn rất nhiều so với phương tiện cá nhân của từng ấy người.
Dựa trên đặc điểm địa hình, mạng lưới vận tải bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đã được tính toán để xây dựng theo hướng đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của người dân. Theo đó, từ trung tâm thành phố tỏa đều đi 8 huyện, thành, thị, do vậy, hạn chế tình trạng trùng tuyến, tạo thuận lợi cho hành khách trong di chuyển hay nối tuyến. Đặc biệt, những năm gần đây, sự hiện diện của các khu, cụm công nghiệp cùng nhiều trường đại học, cao đẳng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của loại hình vận tải công cộng này, đáp ứng 1 phần nhu cầu đi lại của khoảng 10.000 công nhân và 60.000 học sinh, sinh viên. Từ 1 tuyến với 10 chiếc xe ban đầu, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển lên 10 tuyến xe buýt với gần 200 đầu xe, đáp ứng nhu cầu đi lại của phần lớn học sinh, sinh viên, người lao động. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, tháng 6-2017, Sở Giao thông - Vận tải đã đưa thêm tuyến xe buýt số 08 (Bình Long - KCN Yên Bình) vào hoạt động với 10 xe phục vụ, tần suất đạt 40 lượt xe/ngày do Doanh nghiệp tư nhân Xưởng Anh, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) đầu tư khai thác.
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, những năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải công cộng này (7 doanh nghiệp) đã có ý thức hơn trong việc đổi mới chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng, tần suất các chuyến tăng đáng kể, trung bình từ 20-25 phút/chuyến xuống còn 5-7 phút/chuyến (đối với các chuyến nội thị), hoạt động 80-140 lượt xe/tuyến/ngày từ trung tâm T.P Thái Nguyên đến tất cả các huyện, thị trong tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan (T.P Thái Nguyên) cho biết: Toàn bộ hành trình vận tải được chúng tôi kiểm soát chặt chẽ, trong đó, nhân viên phục vụ trên mỗi tuyến phải tuân thủ các quy định với Công ty, từ ý thức điều khiển phương tiện tham gia giao thông cho tới thái độ phục vụ khách hàng. Trên mỗi xe, chúng tôi đều niêm yết số điện thoại đường dây “nóng”, mọi phản ánh cũng như ý kiến đóng góp của khách hàng đều được chúng tôi tiếp nhận thường xuyên với mong muốn đem lại dịch vụ tốt nhất. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, bảo dưỡng phương tiện để đảm bảo an toàn cho hành khách khi lưu thông. Đến nay, Công ty đã hoạt động trên cả 3 tỉnh là Thái Nguyên, Bắc Kạn và Tuyên Quang. Trong đó, có 5 tuyến xe buýt nội tỉnh với 86 phương tiện và 16 xe buýt tuyến Thái Nguyên - Bắc Cạn. Ngoài ra, đã thành thông lệ, để khuyến khích, động viên các em học sinh, vào tháng đầu năm học mới, doanh nghiệp còn thực hiện giảm giá 30% cho các em sử dụng vé tháng.
Một ưu điểm nữa khiến xe buýt được phần lớn học sinh, sinh viên, người lớn tuổi, cán bộ, công nhân viên ưu tiên sử dụng, đó là giá vé không cao hơn nhiều so với một số phương tiện cá nhân khác, cơ bản phù hợp với điều kiện kinh tế của hầu hết người dân nhưng lại đảm bảo an toàn. Có mặt tại điểm chờ xe buýt gần Trường THPT Chuyên Thái Nguyên giờ tan tầm, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều em học sinh lựa chọn xe buýt là phương tiện để trở về nhà. Em Hoàng Thị Thanh Huyền, học sinh lớp Sinh K27, chia sẻ: Em bắt đầu đi xe buýt từ lớp 11 và cảm thấy tiện hơn nhiều so với đi bằng xe đạp, không cần quá lo lắng về thời tiết. Thêm vào đó, em thường có giờ ôn tập buổi chiều tại trường nên đi buýt sẽ tiết kiệm được thời gian, việc đi lại vì thế đỡ vất vả hơn so với đi xe đạp. Chỉ cần 5 phút đợi xe và 15 phút xe di chuyển là em đã có mặt ở nhà rồi.
Còn chị Nguyễn Thị Mơ, tổ 17, phường Tân Long, thì cho biết: Tôi làm việc tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cách nhà gần 30km. Trước kia, mỗi khi phải làm thêm giờ là tôi lại phải nghỉ nhờ lại nhà bạn hoặc về rất muộn. Thế nhưng từ khi có xe buýt tuyến 03 (Chợ Thái - Ký Phú), tôi luôn chủ động về nhà với gia đình, người thân cũng không phải lo lắng khi tôi đi xe máy về nhà khuya như trước nữa. Do đi lại thường xuyên nên tôi đã sử dụng vé tháng, tiết kiệm hơn so với mua vé ngày.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải) cho biết: Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, các tuyến bổ trợ cho nhau. Đồng thời, loại hình vận tải này đã chứng tỏ được tính hữu ích cũng như sự hưởng ứng của người dân, đáp ứng nhu cầu đi lại, di chuyển của phần lớn người có thu nhập trung bình và thấp. Qua đó, góp phần giảm thiểu một lượng lớn phương tiện cá nhân, ô nhiễm môi trường, đồng thời, giảm gánh nặng cho cơ sở hạ tầng giao thông…
Có thể thấy rằng, xe buýt đã trở thành phương tiện không thể thiếu trong sự phát triển của giao thông hiện đại, nhất là khi tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang vươn lên mạnh mẽ. Với tình hình gia tăng phương tiện như hiện nay, theo dự báo, trong một vài năm nữa, nhiều khả năng T.P Thái Nguyên sẽ có nguy cơ bị ùn tắc diện rộng, do vậy, phát triển hệ thống vận tải bằng xe buýt được đánh giá là giải pháp khả thi. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp kinh doanh loại dịch vụ vận tải này thì mặc dù có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển song hiện họ cũng gặp khá nhiều khó khăn, như: chi phí đầu tư phương tiện tương đối lớn nên việc đầu tư mới hay nâng cấp cũng hạn chế; chi phí vận hành lớn trong khi lượng khách lại chưa đồng đều giữa các tuyến; một số đoạn đường xuống cấp ảnh hưởng đến tốc độ cũng như chất lượng phương tiện…Giải quyết được những khó khăn trên mới tạo được “cú hích” cho mô hình xe buýt phát triển mạnh và chuyên nghiệp hơn nữa.