Bộ KH&ĐT đã thẩm định dự án, chỉ còn chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hàng không thì Hàng không Tre Việt sẽ bay thương mại từ 2019.
Tiến sát mục tiêu bay
Tại Văn bản số 3179, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hồ sơ dự án của Bamboo Airways cơ bản hội đủ các thủ tục pháp lý cần thiết. Dự kiến, quy mô đầu tư của nhà đầu tư phù hợp với quy định tại Nghị định 92 về số lượng tàu bay duy trì tối thiểu trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không (3 tàu bay).
Dự án cũng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bình Định đến năm 2020 cũng như Quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào cuối tháng 2/2018.
Cụ thể, theo Quyết định 236 của Thủ tướng, đến năm 2020, số lượng tàu bay khai thác đạt trên 220 chiếc và đến năm 2030 đạt trên 400 chiếc. Trong khi đó, số liệu thống kê từ Cục Hàng không VN, tính đến hết ngày 15/3, lượng tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam mới dừng lại ở con số 175 chiếc, thấp hơn quy hoạch đến 2020 gần 45 chiếc và đến năm 2030 là 225 chiếc. Văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ký khẳng định: “Dự kiến phát triển đội tàu bay của dự án là phù hợp với quy hoạch ngành GTVT”.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng thỏa mãn yêu cầu về vốn chủ sở hữu, cũng như cam kết của công ty mẹ - Tập đoàn FLC về việc cung cấp bổ sung vốn lưu động thường xuyên phục vụ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường và các giai đoạn tiếp theo; Góp vốn bổ sung tăng vốn điều lệ, đảm bảo luôn đáp ứng điều kiện về mức vốn tối thiểu thành lập và duy trì vận chuyển hàng không theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo thông tin của tỉnh Bình Định, hiện sây bay này đang trong quá trình nâng cấp khu hàng không dân dụng và mở rộng sân đỗ máy bay lên 12 vị trí - đáp ứng nhu cầu trở thành sân bay căn cứ của Bamboo Airway.
Được biết, Bamboo Airway đã có quyết định giao 700 tỷ đồng vốn chủ sở hữu từ Công ty mẹ là Tập đoàn FLC, tương ứng 100% tổng vốn điều lệ để đăng ký thành lập doanh nghiệp và phục vụ hoạt động sản xuất. Nhà đầu tư cũng đã đệ trình văn bản xác nhận số dư tài khoản tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển chi nhánh Thanh Xuân với số tiến là 700,3 tỷ đồng. Số vốn này là vừa khớp với quy mô dự án mà Bamboo Airways đệ trình các cơ quan có thẩm quyền.
Bay thương mại vào đầu năm 2019
Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt được xem là bước quan trọng cho mục tiêu “cất cánh” của Bamboo Airways. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là điều kiện đủ bởi ngay cả khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bamboo Airways vẫn phải hoàn tất một điều kiện pháp lý quan trọng nữa để có thể thực hiện chuyến bay thương mại.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 92 quy định về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, doanh nghiệp phải được Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, các điều kiện quan trọng nhất để nhà đầu tư nhận được Giấy phép là phải đáp ứng quy hoạch phát triển GTVT hàng không; đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định.
Cụ thể, hồ sơ đề nghị cấp phép phải có bản chính văn bản xác nhận vốn; sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp; hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê máy bay; điều lệ hoạt động của doanh nghiệp; điều lệ vận chuyển; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm. Trong đó, văn bản xác nhận vốn là văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép. Việc giải phóng khoản tiền phong tỏa này chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoặc bị từ chối cấp phép bay.
Cũng theo quy định tại Nghị định số 92, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Cục Hàng không VN phải báo cáo kết quả thẩm định lên Bộ GTVT. Sau 15 ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định, Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ; trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp giấy phép cho nhà đầu tư. Trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ cấp giấy phép cho nhà đầu tư để hoàn tất các thủ tục pháp lý quan trọng nhất đối với một hãng hàng không.
“Trường hợp Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư dự án, việc thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh của Bamboo Airways nhiều khả năng sẽ được đẩy nhanh do Cục Hàng không VN đã từng tiếp xúc và thẩm định hồ sơ của hãng này từ năm 2017”, ông Cường nói và cho biết, Cục Hàng không VN sẽ rà soát, thẩm định chặt chẽ.
Phía Bamboo Airways, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện hãng này cho biết, đang tích cực hoàn thiện quá trình chuẩn bị đầu tư, cấp phép, tuyển dụng và xây dựng hệ thống, chuẩn bị cơ sở hạ tầng trong năm 2018 để bắt đầu đi vào khai thác vận hành đầu năm 2019, muộn hơn một chút so với dự định bay vào cuối năm 2018 như công bố trước đó.
Riêng trong mảng nhân sự, hãng cũng đang tích cực chiêu mộ nhân sự với nhu cầu lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ an ninh, kỹ thuật, dịch vụ, khai thác, bảo dưỡng, thương mại, phi công, tiếp viên.
“Ứng viên trúng tuyển sẽ được tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ trong và ngoài nước, đặc biệt các vị trí cấp cao sẽ được gửi tới các hãng đào tạo hàng không quốc tế uy tín để nâng cao trình độ, hoàn thiện nghiệp vụ chuyên môn”, đại diện Bamboo Airways nói.
Nguồn tin của PV Báo Giao thông cho biết, Bamboo Airways dự kiến sẽ sử dụng dòng máy bay A320/A321 hoặc B737 không quá 10 tuổi. Trước mắt, trong năm 2019, hãng này sẽ khai thác 3 tàu bay. Trong các năm 2020, 2021, mỗi năm, Bamboo Airways dự định khai thác thêm 2 tàu và tiếp tục thêm mỗi năm 1 tàu vào 2 năm sau đó. Sau năm 2023, Bamboo Airways dự định tăng đội bay khai thác lên 20-25 chiếc. Giai đoạn đầu 2019-2023, Bamboo Airways dự kiến phát triển 14 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế. Nhà đầu tư cũng đã chọn CHK Phù Cát (Bình Định) làm sân bay căn cứ. Trong các giai đoạn tiếp theo, sẽ nghiên cứu lấy các CHK khác như: Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn… làm nơi đậu qua đêm, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển mạng đường bay và hạ tầng mạng cảng hàng không, sân bay Việt Nam. |