Mặc dù trong những năm gần đây, hệ thống cầu giao thông trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế còn rất lớn. Kiến nghị xin được xây cầu của nhân dân ở nhiều địa phương từ năm này qua tháng khác vẫn được gửi tới các cấp, ngành liên quan. Nhưng do nguồn lực đầu tư có hạn nên ở nhiều nơi, bà con vẫn phải chấp nhận những cách thức giao thông nguy hiểm mỗi khi mùa lũ lụt về...
Nỗi nhọc nhằn vì bị suối cách, sông ngăn, thắc thỏm lo âu, đợi chờ mỗi khi có người thân phải đi đâu đó trong mùa mưa lũ vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của người dân ở một số xóm thuộc xã Bình Long (Võ Nhai) từ bấy lâu nay. Khu Làng Lở thuộc xóm Bình An là một chòm dân cư tách biệt có trên 10 hộ bị sông Bậu chắn ngang. Mỗi nhà phải sắm một chiếc đò nhỏ để qua sông hàng ngày, nhưng khi nước lên cao họ cũng đành bất lực, khổ nhất là lũ trẻ phải bỏ học. Bà con ở đây vẫn còn ám ảnh khi đã có người bị chết đuối vì cố vượt qua khúc sông này trong mùa lũ. Cách đó vài cây số, xóm Nà Sọc lại nằm ở hai bờ sông Rong, bà con phải dùng bè mảng vượt sông nếu không muốn đi đường vòng đến cuối xã để sang bờ bên kia...
Ông Nguyễn Văn Côn, Chủ tịch UBND xã Bình Long giãi bày: Lần nào tiếp xúc cử tri, họp HĐND xã hoặc họp dân, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến đề nghị của bà con về việc đầu tư xây cầu tại những khu vực thiết yếu như thế. Tuy nhiên, do xã không có kinh phí, đề nghị lên huyện, ngân sách huyện cũng gặp khó khăn nên đành chờ các nguồn vốn từ cấp trên.
Giống như Bình Long, người dân ở nhiều xã khác của huyện vùng cao Võ Nhai vẫn đang mong ngóng được làm cầu. Cả huyện còn 81 vị trí cần xây dựng cầu cống, đường tràn để bảo đảm an toàn và thuận lợi giao thương cho người dân.
Ông Hoàng Thanh Đóa, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý (Phú Lương): “5/12 xóm của xã nằm bên kia sông Đu đều gặp khó khăn về giao thông do thiếu cầu. Không ít cuộc họp xã phải hoãn do nước lũ ngập cầu tạm khiến nhiều đại biểu vắng mặt. Xã không cho phép cũng không thể cấm bà con tự bắc cầu tạm để qua sông. Địa phương đề nghị sớm được đầu tư thêm cầu kiên cố để phát triển kinh tế - xã hội và nhất là bảo đảm an toàn giao thông”... Bà Nguyễn Thị Bích, Trưởng xóm Hòa Bình, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên): “Mùa mưa bão đã bắt đầu, chúng tôi rất lo lắng khi cầu cũ không thể đi được nữa. Đập tràn dù nguy hiểm khi có lũ nhưng nhiều người vẫn cố vượt balie đi qua. Chúng tôi tha thiết mong cấp trên sớm có phương án bảo đảm an toàn cho việc đi lại của người dân, cấp kinh phí để sửa cầu hoặc xây cầu mới”... |
Dù không khó khăn như xã vùng cao Bình Long nhưng nhiều người dân xã Phủ Lý (Phú Lương) - thuộc diện xã 135 có hơn 90% người dân tộc thiểu số, cũng đang gặp nhiều trắc trở về giao thông vì thiếu những cây cầu an toàn bắc qua sông Đu. Đã có đường tràn và cầu Đồng Cháy mới xây nhưng do địa bàn bị núi chia cắt nên nhiều người khó được thụ hưởng. Gần 10 cây cầu tạm do bà con tự góp sức làm bằng tre, gỗ, buộc thủ công bằng dây thép vẫn đang “phát huy tác dụng” dù không ai dám chắc về sự an toàn. Xã không cho phép, không khuyến khích nhưng cũng không thể cấm người dân qua lại trên những chiếc cầu tạm này.
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lương, từ năm 2015 đến nay đã có 11 cầu và đường tràn được xây dựng mới nhưng trên địa bàn còn 16 vị trí cấp bách nữa cần sớm đầu tư cầu.
Không chỉ ở các huyện khó khăn như Võ Nhai, Phú Lương, những địa phương có điều kiện thuận lợi hơn như: T.X Phổ Yên, T.P Sông Công, huyện Phú Bình cũng có nhiều vị trí bức thiết, mất an toàn giao thông do chưa có cầu hoặc cầu đã quá xuống cấp.
Đơn cử như cầu Bình Tiến, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) đã có tuổi gần 40 năm. Hằng ngày, cây cầu già nua đã xuống cấp trầm trọng này có hàng trăm lượt người qua lại. Cách đó không xa, dù đã có đập tràn nhưng do mặt đập thấp nên hễ trời mưa to là nước tràn qua đường. Rơi xe, vớt người là chuyện không hiếm. Bởi vậy, mỗi khi nước to, người dân dồn cả lên cầu vì nếu đi đường tránh sẽ xa thêm hàng chục ki-lô-mét. Từ khi cầu được giao về cho xóm Hòa Bình quản lý, bảo vệ, trước nhu cầu đi lại quá lớn của người dân, xóm phải cử người ra “điều tiết” cầu vì sợ bị quá tải. Đến đầu tháng 5 vừa rồi, sau khi xảy ra một vụ tai nạn người rơi xuống sông, hai đầu cầu đã được rào lại cấm lưu thông. Người dân mong chờ được xây cầu mới...
Tình trạng tương tự như cầu Bình Tiến không hiếm gặp ở các địa phương trong tỉnh. Ví dụ như huyện Phú Bình, nhiều năm nay, người dân ở hai xã Thanh Ninh và Nga My vẫn bất chấp nguy cơ mất an toàn để qua lại trên những chiếc cầu già nua, chênh vênh, ọp ẹp. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện còn khoảng 10 cây cầu nhỏ, hẹp đã xuống cấp nghiêm trọng cần xây mới hoặc sửa chữa lớn. Tuy nhiên đến cuối năm 2017, bằng nguồn ngân sách địa phương, huyện mới chỉ bố trí xây dựng được 1 cầu…
Còn nhiều, rất nhiều nơi cần có cây cầu an toàn nhưng trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không thể đề cập hết. Bởi chưa tính những cầu đã xuống cấp cần cải tạo hoặc thay thế như trên, theo thống kê sơ bộ và đề nghị của các địa phương được Sở Giao thông - Vận tải tổng hợp, toàn tỉnh còn khoảng 100 vị trí bức thiết cần sớm xây cầu, hàng chục bến đò ngang mất an toàn cần phải xóa bỏ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số lượng “vị trí bức thiết nhất”, bởi theo khảo sát của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh trong đợt chuẩn bị triển khai Dự án LRAMP vừa qua, chỉ tính trên các tuyến đường xóm, xã (khoảng 4.000km) đã có trên 200 vị trí cần xây dựng cầu, cống, đường tràn. Hoặc chỉ riêng huyện Võ Nhai đã có 81 vị trí cần đầu tư.
Rõ ràng, nhu cầu đầu tư cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, là vấn đề liên quan sát sườn đến cuộc sống của rất nhiều người dân. “Bài toán” khó này cần sớm có lời giải.