Nhịp cầu nối những bờ vui (Kỳ III)

11:46, 16/06/2018

Thiếu vốn là vấn đề “muôn thủa” trong xây dựng cơ bản, trong đó có việc phát triển hệ thống cầu giao thông, bởi nguồn lực đầu tư còn khoảng cách khá xa so với nhu cầu thực tế. Vậy, “bài toán” khó này cần lời giải như thế nào? Các cấp, ngành liên quan đã, đang và sẽ làm gì để giải quyết tình trạng thiếu cầu gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sự an toàn của hàng nghìn người dân ở các địa phương trong tỉnh?...

Vốn là mấu chốt để giải quyết vấn đề, đó là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, như chúng tôi đã dẫn ví dụ trong kỳ 1 về việc triển khai Dự án LRAMP (xây dựng 34 cây cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới), nếu không có sự nỗ lực, chủ động và cách làm sáng tạo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan thì Dự án khó có thể bảo đảm tiến độ và sớm phát huy hiệu quả như hiện nay. Ngoài những yếu tố đó, dự án nào cũng rất cần sự đồng thuận của người dân.

Một ví dụ nữa là việc triển khai thực hiện Dự án xây dựng cầu đôi Làng Nghè bắc qua suối Mỏ Gà ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai). Khi có nguồn vốn cấp trên “rót” về, xã đã tìm hiểu kỹ nhu cầu của nhân dân địa phương và chọn đúng công trình cần ưu tiên nhất, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động bà con hiến đất. Đối với một hộ bị ảnh hưởng nhiều bởi Dự án (với hơn 700m2 đất và tài sản trên đất), xóm huy động các hộ khác đóng góp 120 triệu đồng để hỗ trợ. Vì vậy, công trình được triển khai đúng kế hoạch, đến nay sắp được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Ông Tạ Văn Thuyết, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông - Vận tải: “Nhu cầu xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn còn rất lớn. Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh và đề nghị ngành Giao thông ưu tiên bố trí vốn cho lĩnh vực này. Tôi nghĩ, việc huy động xã hội hóa và nội lực của người dân là giải pháp quan trọng”...

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc Thái Nguyên: “Năm 2015, Công ty chúng tôi đã đứng ra vận động xã hội hóa được 250 triệu đồng để xây dựng một cây cầu dài hơn 30m, mặt cầu rộng 2m  bắc qua suối tặng người dân xóm Trung Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai). Cây cầu đáp ứng tiêu chí an toàn, rẻ và thi công nhanh, dù nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với người dân địa phương”...

Trở lại vấn đề vốn, những năm qua, các cấp, ngành liên quan của tỉnh đã khá chủ động, tích cực trong việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn để phát triển hệ thống cầu giao thông. Nhưng vẫn còn đó hàng trăm vị trí cấp thiết cần xây cầu mới hoặc sửa chữa cầu xuống cấp. Địa phương nào cũng “kêu” do ngân sách eo hẹp nên khó bố trí kinh phí để xây mới cầu dân sinh trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý, mà chỉ có thể duy tu, sửa chữa nhỏ đối với những cầu và vị trí đường bị xuống cấp nặng. Ví dụ như ở huyện Võ Nhai, việc phát triển hệ thống cầu trên địa bàn gần như hoàn toàn phải trông chờ vào cấp trên qua các nguồn như: Vốn 135, vốn đầu tư vùng CT229, vốn ATK, nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, vốn vay tín dụng… Trong bối cảnh đó, giải pháp “trong tầm tay” của huyện là cố gắng điều tiết, sử dụng hợp lý các nguồn đầu tư, dành ưu tiên cho những vị trí cấp thiết cần xây cầu để đạt hiệu quả đầu tư cao nhất.

Đồng tình với giải pháp của huyện nghèo Võ Nhai, ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư phân tích thêm: Theo Luật Đầu tư công, từ năm 2015, vốn đầu tư công trung hạn được UBND tỉnh phân bổ cho cấp huyện để chủ động bố trí sử dụng theo kế hoạch đầu tư đã được HĐND cùng cấp thông qua. Việc phân cấp sử dụng nguồn vốn đã rõ ràng, đối với những dự án có quy mô nhỏ như xây dựng cầu dân sinh trên các tuyến đường huyện, xã quản lý, UBND cấp huyện có trách nhiệm và thẩm quyền quyết định đầu tư. Vấn đề là cần khảo sát thật kỹ, nắm bắt đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân để ưu tiên đầu tư những công trình cấp thiết nhất, trong đó có cầu dân sinh. Thực tế thì tại một số địa phương, nhất là cấp xã thời gian gần đây, do phải cố gắng “về đích” nông thôn mới nên đã chọn ưu tiên xây dựng những công trình chưa hẳn đã cấp thiết nhất. Ví dụ, thay vì xây cầu dân sinh, họ lại ưu tiên xây nhà văn hóa, sân vận động hoặc công trình khác... Cũng theo ông Nguyễn Văn Thái, vì kế hoạch đầu tư công đã lập cho cả giai đoạn nên việc khảo sát để đưa vào danh mục công trình xây dựng cần chính xác ngay từ đầu. Đối với những vị trí phát sinh đòi hỏi cấp thiết cần xây mới hoặc sửa chữa cầu, UBND cấp huyện có thể trình HĐND cùng cấp bổ sung vào danh mục ưu tiên đầu tư, hoặc sử dụng nguồn vốn cấp bách.

Việc xã hội hóa, huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp và cả cộng đồng để xóa bỏ cầu tạm mất an toàn và xây cầu dân sinh tại những vị trí thiết yếu là giải pháp khả thi đáng để các cấp, ngành quan tâm. Nhìn rộng ra phạm vi cả nước, một ví dụ điển hình là sau sự cố sập cầu treo Chu Va (Lai Châu) năm 2014, Bộ Giao thông - Vận tải đã phát động Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” kêu gọi sự đóng góp của cả cộng đồng để xóa bỏ cầu tạm, cầu treo xuống cấp và xây mới cầu dân sinh cho bà con vùng khó khăn. Từ chương trình này, hơn 4.000 cây cầu dân sinh đã và đang được xây dựng ở khắp các vùng, miền, phục vụ giao thông an toàn, thuận tiện cho hàng triệu người dân.

Những năm gần đây, các cấp, ngành trong tỉnh đã tổ chức thành công khá nhiều đợt xã hội hóa, huy động sự đóng góp của cộng đồng để tổ chức một số sự kiện, xây dựng công trình công cộng và hỗ trợ người nghèo. Rất có thể, hình thức này sẽ có kết quả đối với việc xóa bỏ cầu tạm và xây cầu mới cho những nơi khó khăn nhất. Ngoài ra, việc khuyến khích các doanh nghiệp bỏ vốn xây cầu theo hình thức BOT cũng cần được quan tâm hơn tại những vị trí phù hợp.

Nêu quan điểm về vấn đề xã hội hóa để xây dựng cầu dân sinh, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc Thái Nguyên cho rằng cần có thống kê chính xác và công bố thông tin chi tiết các vị trí thiết yếu nhất cần cầu dân sinh trước khi huy động cộng đồng ủng hộ. Đồng thời phải giảm thiểu mọi chi phí khi xây dựng những công trình như vậy. Cũng có thể lập ra một quỹ có sự tham gia của đại diện chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp tài trợ để có nguồn sử dụng kịp thời cho việc xây hoặc sửa cầu cấp bách…

Như vậy có thể nói, “bài toán” đầu tư phát triển cầu dân sinh dù khó nhưng không phải không có lời giải, và việc giải được sớm hay muộn tùy thuộc vào nỗ lực, sự hiệu quả của các giải pháp mà các cấp, ngành chức năng áp dụng. Để sớm “nối những bờ vui” thì cấp dưới không thể chỉ trông chờ vào “cấp trên” và người dân cũng cần thể hiện trách nhiệm với những gì mình được thụ hưởng.