Thay đổi thiết kế đèn xe hiện khá phổ biến, giúp người điều khiển ô tô, xe máy cải thiện tầm nhìn vào buổi tối. Tuy nhiên, việc lắp những bóng đèn quá sáng có thể gây chói mắt, nguy hiểm trực tiếp cho người đi ngược chiều. Thậm chí tiềm ẩn rủi ro cháy nổ chính phương tiện được thay đổi thiết kế.
Anh Hoàng Minh Thường, ở tiểu khu Dộc Mấu, thị trấn Đu (Phú Lương) là một trong những người bị tai nạn bởi đèn xe siêu sáng. Kể lại sự việc, anh Thường không khỏi bức xúc: Buổi tối cách đây một tuần, khi đang điều khiển xe máy qua thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) thì tôi bị xe ngược chiều dọi thẳng vào mắt. Đúng đoạn đường cua, đèn đối diện quá sáng không nhìn thấy gì nên tôi đâm xuống rãnh thoát nước. Cũng may là người chỉ bị trầy xước nhẹ, xe thì vỡ một phần nhựa. Anh Nguyễn Văn Nam, lái xe khách tuyến Thái Nguyên - Hà Giang cũng ý kiến: Tôi chạy xe khách giường nằm, buổi tối thường xuyên bị các xe ngược chiều dọi đèn quá sáng gây chói mắt. Bản thân lúc đó như bị “mù tạm thời” không thể nhìn thấy gì, nếu gặp chướng ngại vật phía trước sẽ rất nguy hiểm.
Thực tế, số người bị tai nạn do đèn xe ngược chiều quá sáng gây chói mắt, mất tầm nhìn thậm chí không nhìn thấy gì trong vài giây như đề cập ở trên không hiếm. Việc độ đèn cho xe, nhất là xe máy hiện khá phổ biến. Anh Hoàng Văn Lâm, thợ sửa chữa tại cửa hàng Thailand Motor trên đường Dương Tự Minh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Nhu cầu mua đèn siêu sáng, trợ sáng cho xe gắn máy phổ biến nhất ở giới trẻ. Đèn pha thay thế cho mô tô, xe máy có nhiều loại, như: Xenon, bi-xenon, HID, LED… Những loại này có cường độ ánh sáng mạnh, tầm chiếu xa hơn so với bóng halogen thông thường tích hợp sẵn trên xe. Hình thức và giá cả cũng rất đa dạng, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Khi khách có yêu cầu thì chúng tôi mới lắp đặt chứ không chủ động giới thiệu hoặc khuyến khích.
Anh Nguyễn Văn Dưỡng, một chủ cơ sở sửa chữa xe máy ở xóm Tân Hòa, xã Phấn Mễ (Phú Lương) phân tích: Các loại đèn độ cho xe máy chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, không đảm bảo về mặt kỹ thuật. Đèn này có hiệu suất phát sáng gấp 3-4 lần bóng nguyên bản theo xe. Nghĩa là bóng LED hay xenon chỉ có công suất khoảng 30W nhưng cho độ sáng tương đương bóng halogen 100W. Điều đặc biệt nguy hiểm là đèn độ cho xe gắn máy thường phát ra ánh sáng trắng, gây chói mắt cho người đi ngược hướng nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ngoài ra, một số loại đèn siêu sáng chất lượng kém nhưng giá rẻ vẫn được khách lựa chọn. Độ chế các đèn này có thể không tương thích với kế cấu nguyên bản của xe gây nên hiện tượng chập cháy trong quá trình vận hành.
Tiềm ẩn nguy hiểm như vậy nhưng việc xử lý việc độ đèn xe không dễ. Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Thái Nguyên cho biết: Hiện, Trung tâm chỉ đăng kiểm xe ô tô, trong khi độ đèn lại chủ yếu ở xe máy. Với đèn xe sẽ kiểm tra các yếu tố: Có đúng với nguyên bản ban đầu?, độ sáng tối thiểu và góc chiếu sáng- nếu không đảm bảo chúng tôi sẽ từ chối đăng kiểm. Tuy nhiên, một số cơ sở lắp đặt đèn cho xe ô tô có thể đo được dòng điện, tính toán sao cho đèn được độ phù hợp với thông số kỹ thuật điện của nhà sản xuất. Về độ sáng cũng chỉ có quy định về mực tối thiểu để đảm bảo lưu thông chứ không có mức tối đa.
Theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP bổ sung cho Nghị định 171 thì: Đối với xe môtô, xe gắn máy phạt từ 100.000-200.000 đồng nếu không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng; không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và sử dụng đèn chiếu sáng không đúng tiêu chuẩn thiết kế của từng loại xe. Tiêu chuẩn này gồm: Hướng của luồng ánh sáng phải đúng theo hướng của xe chạy, hướng ánh sáng chính phải xuống phía dưới, đèn có màu ánh sáng trắng hoặc vàng nhạt. Như vậy, nếu lắp đèn pha hoặc đèn trợ sáng trên môtô, xe máy có màu khác màu vàng và trắng, có hướng sáng khác với hướng của xe, hoặc lắp đèn pha có hướng hắt lên chiếu thẳng vào mắt người đi ngược chiều sẽ vi phạm pháp luật. Thế nhưng lại chưa có quy định cụ thể về xử phạt nếu gắn đèn LED, xenon,.. có cường độ sáng mạnh. Trung tá La Chấn Đẩu, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và Trật tự xã hội, Công an huyện Định Hóa cho rằng: Quy định chưa chặt chẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Cụ thể, khi kiểm tra phương tiện cảnh sát giao thông không có thiết bị để đo độ sáng giống như đo nồng độ cồn. Khi phát hiện có thay đổi thiết kế đèn cũng khó xử phạt, bởi nhiều người đưa ra lý do lắp chứ không sử dụng. Chúng tôi chỉ có thể yêu cầu tháo bỏ, rồi sau đó họ có lắp lại thì không thể kiểm soát được.
Về giải pháp, ông La Chấn Đẩu cho rằng: Cần có chế tài và kiểm soát chặt chẽ đối với những cơ sở bán, độ đèn xe ô tô và xe máy; xử phạt nặng hơn trường hợp thay đổi thiết kế và sử dụng đèn xe một cách tùy tiện. Quan trọng hơn là tăng cường tuyên truyền, nhất là đối với giới trẻ về văn hóa giao thông, để họ tự ý thức sử dụng đèn xe một cách phù hợp.