Không chỉ là dự án kinh doanh vận tải

08:15, 23/07/2018

Mới chính thức đi vào hoạt động được hơn một tháng, nhưng Dự án đầu tư xây dựng điểm trung chuyển xe buýt (Dự án) tại Bến xe khách trung tâm T.P Thái Nguyên bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Dự án  không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp (DN) vận tải mà còn tạo được sự kết nối thuận tiện cho hành khách khi kết hợp đi xe chạy tuyến cố định.

Dự án được triển khai từ cuối tháng 5-2018, với tổng kinh phí 5,3 tỷ đồng, do Công ty CP Vận tải Thái Nguyên làm chủ đầu tư với sự tham gia của 10 DN kinh doanh vận tải xe buýt, giúp kết nối thuận tiện giữa hai phương thức vận tải chính là xe buýt và xe khách cố định. Nhờ đó, hành khách sau khi đi xe chạy tuyến cố định có thể tiếp tục đón ngay xe buýt tại bến để tiếp tục hành trình hoặc ngược lại.

Ông Lương Tiến Thành, Tổng Giám đốc Công ty, chủ đầu tư Dự án cho biết: Xuất phát từ mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đồng thời tăng lượng hành khách vận tải thông qua Bến xe trung tâm, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư thực hiện Dự án. Trong 3 tháng đầu, Công ty miễn hoàn toàn phí trung chuyển hành khách và hàng hóa của DN vận tải xe buýt. Hiện tại, có tất cả 10 DN vận tải xe buýt hoạt động, công suất đạt khoảng 600 xe ra vào bến/ngày. Theo đó, có 9 tuyến buýt trung chuyển kết nối với trung tâm của 9 huyện, thành, thị xã, giúp hành khách dù ở địa phương nào trong tỉnh cũng có thể lưu thông bằng dịch vụ vận tải này. Thời gian hoạt động của xe buýt trung chuyển cũng được áp dụng phù hợp khung giờ chạy của các tuyến xe cố định từ 4 giờ 30 phút đến 19 giờ hằng ngày, tần suất xe buýt cách nhau từ 15-20 phút/chuyến đối với tất cả các tuyến, giúp hành khách không mất nhiều thời gian chờ đợi.

Việc đưa dự án vào hoạt động đã góp phần đem lại hiệu quả kinh doanh không chỉ đối với DN chủ đầu tư mà còn cả DN kinh doanh vận tải xe buýt. Theo ông Vũ Mạnh Hà, Tổng Giám đốc DN tư nhân Mạnh Hà: Các điểm đợi xe buýt nằm ngoài Bến xe khách trung tâm chủ yếu là phục vụ vận tải hành khách của Bến. Song do nằm khá xa nên nhiều người ngại di chuyển nhất là đối với những gia đình có con nhỏ hoặc mang theo nhiều đồ đạc. Vì thế, nhiều hành khách từ bỏ ý định đi buýt và chuyển sang đi taxi hoặc xe ôm, nhất là đối với hành khách di chuyển quãng đường ngắn. Do đó, khi có chủ trương xây dựng điểm trung chuyển xe buýt tại Bến xe khách trung tâm chúng tôi đã đăng ký tham gia. Sau một tháng chạy thử nghiệm, lượng hành khách và doanh thu của đơn vị đã tăng lên từ 2-3 lần so với trước đó.

Cùng với việc tạo sự kết nối giữa các phương thức vận tải và đem đến nhiều lợi ích cho hành khách thì Dự án trên còn góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông. Bởi lẽ hành khách sẽ không phải di chuyển ra tận bên ngoài đường lớn để đứng đợi xe buýt. Anh Dương Văn Hùng, ở tổ 20, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên nói: Sang đường đón xe buýt, tôi cảm thấy rất nguy hiểm vì đoạn đường đông đông phương tiện giao thông qua lại. Chưa kể điểm chờ không có mái che và ghế chờ nên rất bất tiện. Từ khi Bến xe có điểm trung chuyển xe buýt hành khách bớt đi phần nào nỗi lo mất an toàn giao thông.

Àaánh giaá ý nghĩa của Dự án, ông Tân Hoàng Long, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Dự án đi vào hoạt động đã góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm đón xe buýt bên ngoài, nhất là vào các giờ cao điểm. Hơn nữa, việc tăng cường kết nối giữa loại hình vận tải cố định sẽ thu hút nhiều hành khách lựa chọn xe buýt, từ đó giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông chung trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, để phát thêm hiệu quả này, phía chủ đầu tư Dự án còn đang đề nghị lên cơ quan chức năng tiến hành chuyển hai điểm đợi xe buýt vào phía bên trong Bến xe trung tâm để tập trung đón trả khách và góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vûåc xung quanh Bến.