Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu xây dựng cơ chế thông tin phối hợp lực lượng trên tuyến giao thông; thiết lập cơ chế “thông tin nóng” trên toàn tuyến quốc lộ 1A và cao tốc để trao đổi, giải quyết tình hình phức tạp về trật tự an toàn giao thông.
Ngày 5/7, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia biểu dương 35 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2017, đặc biệt là 9 địa phương giảm trên 20%. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm tai nạn giao thông chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 0,75%.
*Gần 9.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.103 người
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ ngày 16/12/2017 đến 15/6/2018, toàn quốc xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người. So với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Trong đó, đường bộ xảy ra 8.889 vụ, làm chết 4.027 người, bị thương 6.997 người. Đường sắt xảy ra 62 vụ, làm chết 53 người, bị thương 28 người. Đường thủy nội địa xảy ra 40 vụ, làm chết 22 người, bị thương 2 người.
Vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% là: Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh; trong đó, có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là: Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.
Phân tích trên 6.804 vụ tai nạn giao thông đường bộ cho thấy 26% là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 8,77% do vi phạm tốc độ xe chạy; 8,86% do chuyển hướng không chú ý; do vi phạm quy trình thao tác lái xe là 7,82% và do sử dụng rượu bia là 4,23%. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra trong khoảng thời gian từ 12 – 24 giờ, chủ yếu trên các tuyến quốc lộ và do xe máy gây ra.
Điểm đáng chú ý là tình trạng chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông trong khi thi hành nhiệm vụ có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2018 xảy ra 15 vụ, làm 16 đồng chí bị thương, bắt giữ 13 đối tượng; trong đó, quý II/2018 xảy ra 6 vụ, làm 5 đồng chí bị thương, bắt giữ 9 đối tượng.
* Sụt lún trên mặt cầu vượt nút giao thông Mỹ Thủy không phải do tiêu cực, lãng phí
Thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giảm 3/37 điểm ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trong các dịp lễ, Tết sự kiện chính trị quan trọng. Tuy nhiên, còn tình trạng xe dù bến cóc, xe vận tải núp bóng xe hợp đồng để vận chuyển hành khách, một số cá nhân sử dụng phương tiện không có phù hiệu kinh doanh vận tải đón trả khách, Sở Giao thông Vận tải đã lập biên bản 4.300 trường hợp, phạt tiền 48 tỷ đồng, tước 750 giấy phép lái xe. Qua camera giám sát, lực lượng chức năng đã xử lý trên 1.800 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.176 vụ tai nạn giao thông, làm 324 người chết, 1.213 người bị thương.
Về sụt lún trên mặt cầu vượt nút giao thông Mỹ Thủy, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, trong điều kiện hạn chế về mặt bằng và tình hình ùn tắc giao thông tại khu vực, việc tổ chức cho phương tiện lưu thông qua cầu vượt kết hợp với tiếp tục thi công đoạn đường về phía khu công nghệ cao là yêu cầu bắt buộc. Công tác khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật. Hiện tượng lún này là do quá trình chuyển tiếp phương án thi công và tổ chức phân luồng giao thông trong quá trình thi công, không phải là tiêu cực lãng phí hay công trình kém chất lượng.
Việc hoàn thiện kết cấu nền đường, mặt đường đã triển khai tại công trường không phải là sửa chữa, khắc phục các hư hỏng mà là công tác triển khai tiếp tục các hạng mục hoàn thiện công trình theo đúng hồ sơ thiết kế, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, việc kiểm soát về tiến độ, chất lượng các công trình giao thông luôn được UBND Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành chức năng giám sát chặt chẽ. Công trình đã được tổ chức thi công ngày đêm để sớm đưa các hạng mục vào sử dụng vượt tiến độ, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho khu vực cảng Cát Lái. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành giao thông thành phố.
Nhắc lại sự việc người dân tụ tập, kéo ra đường gây tê liệt, ùn tắc giao thông hàng chục giờ suốt chiều dài 20km trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, lực lượng công an đã bám chốt, phân luồng giao thông cho các phương tiện theo hướng từ Đồng Nai đi Đà Lạt, không đi qua Bình Thuận và phân luồng từ Ninh Thuận lên Đà Lạt để về Thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cảnh báo về các nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn, nhất là ở khu vực các trạm thu phí BOT Thái Bình, Sông Phan (Bình Thuận), Cai Lậy (Tiền Giang). Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, lực lượng công an, cảnh sát giao thông vẫn trực 24/24 giờ, khi có bất thường xảy ra phải phân luồng kịp thời.
* Quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, 6 tháng qua, lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 đã gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng đón, trả khách không đúng nơi quy định (xe dù, bến cóc) sâu trong nội đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương diễn ra phức tạp, chưa có giải pháp căn cơ để xử lý. Tỷ lệ xe quá tải vẫn còn 10-12%, tiếp tục là nguyên nhân gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông. Hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe hiện vẫn đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông.
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và trên các trục giao thông chính kết nối với 2 thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các đợt nghỉ lễ dài ngày, khi thời tiết xấu hay có tai nạn hoặc sự cố phương tiện.
Chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ động nắm bắt tình hình trật tự an toàn giao thông để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các dịp cao điểm. Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra địa phương có tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2018.
Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ về việc bổ sung dự án xây dựng luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIV. Tiếp tục ưu tiên sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đường bộ; chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt, xây dựng Đề án “Bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt” trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; tăng cường lực lượng, phương tiện bảo đảm giao thông mùa mưa lũ. Xây dựng phần mềm quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận tải, tăng cương khả năng giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an xây dựng quy chế phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là việc chia sẻ, liên thông dữ liệu xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của ngành công an và Dữ liệu quản lý lái xe của ngành giao thông vận tải. Xây dựng cơ chế thông tin phối hợp lực lượng trên tuyến giao thông; thiết lập cơ chế “thông tin nóng” trên toàn tuyến quốc lộ 1A và cao tốc để trao đổi, giải quyết tình hình phức tạp về trật tự an toàn giao thông./.