Nhiều năm nay, người dân các xóm: Phúc Lẩm, Soi Chè, xã Tiên Hội (Đại Từ) vẫn phải đi qua cây cầu tạm do bà con tự bắc qua dòng sông Công rất nguy hiểm. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra tại đây khiến người dân lo lắng mỗi khi qua cầu. Bởi thế, ước mong lớn nhất của bà con là có một cây cầu chắc chắn để đi lại an toàn.
Cây cầu nối hai xóm Soi Chè và Phúc Lẩm dài hàng trăm mét, rộng chưa đầy 1m được ghép bằng những thân tre, trụ cầu làm bằng 4 thanh sắt mỏng cũ kỹ rỉ sét đã xiêu vẹo. Mỗi khi có người đi qua, đặc biệt là xe máy là cả cây cầu lại rung lên, các thân tre va vào nhau tạo ra âm thanh rào rào càng làm cho người đi qua cầu cảm thấy bất an. Xóm Phúc Lẩm có trên 170 hộ dân, để đến được trung tâm xã thì hầu hết các hộ dân trong xóm phải đi qua cây cầu này, qua xóm Soi Chè rồi mới ra được Quốc lộ 3. Đối với người dân xóm Soi Chè thì phần nhiều diện tích đất sản xuất nằm phía bên kia cầu, nên hằng ngày cũng phải qua cầu mới có thể vào nương bãi chăm sóc, thu hái chè. Ngoài ra, một số hộ dân xóm Đồng Mạc có nương chè ở đây cũng thường xuyên phải đi qua cây cầu này.
Theo ngûúâi dân ở đây thì khi chưa có cầu người dân vẫn phải lội qua sông, những ngày nước lớn không lội được thì phải đi đường vòng rất xa. Năm 2007, người dân xóm Soi Chè tự bảo nhau lấy bạch đàn, tre nứa làm cầu tạm để đi lại. Qua một thời gian sử dụng, đến năm 2013, những thân cây làm mố cầu đã bắt đầu mục gẫy, nên người dân trong xóm lại góp tiền mua vật liệu và cùng nhau góp sức đổ bê tông mố cầu, thân cầu thì bà con tận dụng thanh sắt lấy từ cầu Suối Luôn gần đó (do cầu Suối Luôn được Trung ương đoàn hỗ trợ xây cầu cứng nên tháo dỡ cầu cũ), còn lại vật tư chủ yếu vẫn phải sử dụng thân tre nứa để làm. Đến nay, cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, đã có những vụ tai nạn xảy ra tại đây.
Bà Đàm Thị Huân, Trưởng xóm Soi Chè kể: Năm 2010, trong lúc đi học về, do không dám đi qua cầu nên 2 cháu học sinh thuộc xóm Phúc Lẩm đã lội qua sông, không may trượt chân ngã và bị nước cuốn trôi. Rất may, đúng thời điểm đó có người dân đi qua nên đã nhảy xuống cứu kịp thời. Trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì gặp bà Nguyễn Thị Quý, xóm Đồng Mạc vừa đi hái chè về qua cầu, bà cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 sào chè thuộc xóm Phúc Lẩm, để sang chăm sóc, thu hái chè, tôi và người thân vẫn phải đi qua cây cầu này, cách đây 3 năm, tôi cùng người cháu đi hái chè về gặp đúng thời điểm nước to ngập lên cầu, do nước sông chảy xiết nên cả hai chúng tôi đều bị nước cuốn, may mắn chúng tôi đã được người dân vớt lên kịp thời.
Những vụ tai nạn trên tuy chưa có thiệt hại về người, nhưng vẫn luôn là nỗi ám ảnh cho bà con ở đây. Để cảnh báo, người dân xóm Soi Chè đã lấy một tấm bạt ghi dòng chữ: Chú ý cầu hỏng rồi dựng bên đường lên cầu nhằm nhắc nhở những người qua cầu cần cẩn trọng hơn.
Ngoài việc người dân quanh khu vực này gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt vì không có cầu cứng, việc phát triển kinh tế cũng rất hạn chế vì hàng hóa, nông sản làm ra cũng không có thương lái vào thu mua mà bà con phải tự mang đi bán. Bà Đàm Thị Huân cho biết: Nhiều năm nay, chúng tôi chỉ mong có một cây cầu kiên cố để người dân đi lại dễ dàng, các cháu nhỏ đi học được thuận lợi. Hiện xóm Soi Chè vẫn còn hơn 100m đường liên xóm đoạn dẫn lên cầu chưa được đổ bê tông do chúng tôi đang chờ đợi cây cầu này được xây dựng rồi mới đổ bê tông nốt.