Bùng phát dịch vụ xe tắc-xi và những hệ lụy

09:57, 02/11/2018

Dân số của tỉnh ta đã đạt trên 1,2 triệu người và có thêm lượng lớn người đến học tập, làm việc nên từ năm 2013 trở lại đây, loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô không đăng ký tua, tuyến (dịch vụ tắc-xi) đã phát triển với tốc độ nhanh. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 38 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này với tổng số 2.200 phương tiện. Lượng phương tiện tăng quá nhanh dẫn đến hoạt động kinh doanh dịch vụ này đang xuất hiện nhiều hệ lụy…

Thời điểm đầu năm 2013, toàn tỉnh mới có 500 xe ô tô của các doanh nghiệp đăng ký với Sở Giao thông - Vận tải tham gia kinh doanh dưới hình thức dịch vụ tắc-xi. Nhưng từ năm 2014 đến năm 2016, bình quân tăng 500 xe tắc-xi/năm và số doanh nghiệp cũng tăng 3 lần. Thời điểm kinh doanh thịnh vượng, mỗi ngày, Công ty TNHH Một thành viên Mai Linh Thái Nguyên tiếp nhận, giải quyết khoảng 3.000 cuộc điện thoại của khách hàng trên địa bàn tỉnh đề nghị được sử dụng  tắc-xi của đơn vị. Kinh  doanh thuận lợi nên cuối năm 2016, công ty đã có gần 500 xe ô tô làm dịch vụ tắc-xi, doanh thu đạt khoảng 50 tỷ đồng (chiếm khoảng 42% thị phần vận chuyển hành khách bằng tắc-xi của tỉnh). Nhưng từ năm 2017 đến nay, công ty hoạt động không còn thuận lợi do thị trường bão hòa. Nhiều doanh nghiệp mới thành lập sử dụng phương tiện hiện đại hơn, cạnh tranh về giá nên công ty không dám tăng đầu xe, dẫn tới doanh thu, lợi nhuận đều giảm. Từ đầu năm 2018, công ty đã phải thanh lý những xe ô tô đầu tư từ thời điểm trước năm 2013, lượng lớn xe cũ phải dịch chuyển về hoạt động ở các vùng nông thôn trong tỉnh và chuyển đến các tỉnh khác như: Bắc Kạn, Hà Giang. Do vậy, hiện hãng Mai Linh chỉ còn trên 200 xe ô tô hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Các hãng tắc-xi hoạt động thường xuyên trên địa bàn tỉnh có nhiều phương tiện, như: Bình An, Thái Nguyên, Thái Bảo, Hoa Mai… cũng không mở rộng quy mô hoạt động mà tăng cường quản trị doanh nghiệp, thắt chặt quy trình hoạt động để giảm chi phí nhằm giữ thị phần, đảm bảo kế hoạch lợi nhuận. Một số hãng tắc-xi nhỏ hoạt động ở các địa phương trong tỉnh như: Võ Nhai (13 xe); Định Hóa (30 xe), Phú Lương (25 xe)… đã mất dần thị phần do nhiều hãng tắc-xi lớn dịch chuyển phương tiện để mở rộng địa bàn hoạt động. Cùng với đó là nhiều người dân ở các xã cũng đầu tư xe ô tô phục vụ đi lại và kinh doanh dịch vụ tắc-xi trá hình.

Anh Phạm Đức Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Thái Nguyên thông tin: Đến năm 2018, chúng tôi vẫn duy trì ổn định ở mức 200 xe tắc-xi nhưng chủ yếu phương tiện đã được cổ phần để lái xe trực tiếp điều khiển, kinh doanh, doanh nghiệp chỉ thu chi phí quản lý. Do vậy, lợi nhuận giảm hơn các năm trước nhưng quản lý phương tiện thuận lợi hơn. Nhu cầu đi lại của người dân tăng không tỷ lệ thuận so với phương tiện tham gia dịch vụ tắc-xi nên chúng tôi không có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động. Khó khăn hơn là lực lượng lao động trong lĩnh vực này thường là thanh niên nên dễ thay đổi vị trí làm việc, dẫn đến tổ chức bộ máy của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tắc-xi thiếu tính ổn định.

Kinh doanh tắc-xi trên địa bàn tỉnh hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề như cạnh tranh ngày càng khốc liệt, giá nhiên liệu tăng, nguồn nhân lực không ổn định và gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyên nghiệp hoá các khâu phục vụ. Anh Lê Quang Lanh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Mai Linh Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe tắc-xi vì dân số đông, người địa phương khác đến lưu trú tăng nhanh. Tuy nhiên, mật độ xe tắc-xi hoạt động trên địa bàn chỉ sau các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng chịu nhiều áp lực, nhất là quản trị doanh nghiệp và vấn đề lợi nhuận.

Về phía Sở Giao thông - Vận tải, thời gian qua đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy dịch vụ này phát triển và thực hiện tương đối hiệu quả công tác quản lý, giám sát, như: yêu cầu 100% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tắc-xi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quy hoạch phát triển dịch vụ tắc-xi trên địa bàn đến năm 2020; thường xuyên tổ chức kiểm tra dịch vụ tắc-xi tại các doanh nghiệp; tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả hoạt động…

Mặc dù vậy, dịch vụ này vẫn nảy sinh các vấn đề phức tạp, như: Nhiều chủ phương tiện chưa đăng ký và đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng vẫn có hoạt động vận chuyển hành khách; thiếu bến bãi nên tình trạng xe tắc-xi đỗ trái phép trên vỉa hè, dưới lòng đường hoặc ở những nơi công cộng còn khá phổ biến; tình trạng xe tắc-xi đi quá tốc độ, lạng lách trong đô thị dẫn tới va chạm, gây tai nạn giao thông còn xảy ra; nhiều lao động trong lĩnh vực này thiếu chuyên nghiệp, tác phong, hành động không lịch sự khiến hành khách lo lắng khi sử dụng dịch vụ…

Đây là những vấn đề cần sự vào cuộc trách nhiệm và quyết liệt của cả cơ quan quản lý các cấp trong tỉnh và chủ doanh doanh nghiệp để dịch vụ tắc-xi có đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.