Cần sự đồng thuận của người dân

10:47, 07/11/2018

Sau khi UBND T.P Thái Nguyên thực hiện đầu tư hạng mục xây dựng cống thoát nước xử lý ô nhiễm môi trường ở khu vực tổ 3, phường Quang Trung đã mang lại niềm vui cho người dân ở đây. Tuy nhiên, quá trình xây dựng mương nước thải đã làm thay đổi hiện trạng đường dân sinh khiến đoạn mặt đường thường lầy lội, trơn trượt khi có mưa, bụi bẩn vào ngày nắng, khiến việc đi lại của bà con khó khăn...

Trước năm 2016, người dân sống tại tổ 3, phường Quang Trung thường xuyên phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi mùi hôi thối bốc lên từ mương nước chạy dọc theo tường rào của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Nguyên nhân là do từ nhiều năm qua, nước thải sinh hoạt của người dân quanh khu vực và từ Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên xả trực tiếp xuống và ứ đọng tại đoạn mương trên. Để xử lý tình trạng trên, năm 2016, UBND T.P Thái Nguyên đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống cống thoát nước thải toàn truyến có nắp đậy. Công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân ở đây đã không còn phải chịu cạnh sống chung với mùi hôi thối, ruồi muỗi phát sinh từ đoạn mương này. Ngoài việc xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường, công trình trên cũng góp phần mở rộng tuyến đường dân sinh ở đây có chiều rộng từ 3m lên 5m, với chiều dài hơn 300m.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành hệ thống cống thoát nước, đơn vị thi công đã đổ và san gạt một lớp đất lên mặt đường dân sinh cũ khiến đoạn đường này trở thành đường đất. Ông Nguyễn Quang Vĩnh ở tổ 3, phường Quang Trung cho biết: Trước đây, cạnh mương là tuyến đường dân sinh được người dân đóng góp tiền để dải một lớp cấp phối. Thế nhưng, khi đơn vị thi công xong không đổ hoàn trả lớp đá dăm mà chỉ sản gạt đất lên trên mặt nên tuyến đường trở thành đường đất. Ngày mưa mặt đường thường lầy lội, trơn trượt khiến việc đi lại của người và phương tiện khó khăn, có phần nguy hiểm, còn ngày nắng thì bụi bặm, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Chưa kể, một số hộ dân có nền nhà thấp hơn mặt đường nên bị nước bẩn chảy vào mỗi khi mưa to. Chúng tôi ở đây phần lớn là người lao động tự do, kinh tế khó khăn nên để đóng góp đổ bê tông tuyến đường thì không đủ khả năng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn chủ đầu tư và đơn vị thi công đổ hoàn trả lại lớp đá dăm như cũ để bà con đi lại đỡ vất vả.

Còn ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Bí thư Chị bộ tổ 3, phường Quang Trung cho biết: Hiện nay, có 20 hộ dân sinh sống ở dọc đoạn đường này, còn lại khoảng 80 hộ dân khác cũng thường xuyên đi qua. Thời gian qua, người dân trong tổ cũng nhiều lần họp bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, bà con trong tổ cho rằng chưa có điều kiện để đổ bê tông đoạn đường nên thống nhất đề nghị đơn vị thi công đổ trả lại lớp đá dăm, nhưng đơn vị thi công chưa thực hiện...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch  UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Công trình thi công có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực. Trong thiết kế của công trình không có hạng mục làm đường. Khi người dân có kiến nghị, lãnh đạo UBND Thành phố và đơn vị thi công đã xuống kiểm tra. Đơn vị thi công cũng cam kết đổ hoàn trả lại lớp đá dăm lên mặt đường, nhưng một số hộ dân không đồng tình vì nền nhà của họ hiện nay đang thấp hơn mặt đường. Vì vậy, UBND T.P đang vận động để người dân đồng thuận thực hiện cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân đối ứng 40%) để bê tông hóa đoạn đường. Việc người dân địa phương đề nghị UBND T.P Thái Nguyên đầu tư 100% kinh phí nâng cấp tuyến đường là chưa thể thực hiện được vì nguồn ngân sách của Thành phố còn khó khăn, hạn hẹp.

Có thể thấy, việc UBND T.P Thái Nguyên thực hiện hạng mục công trình xử  lý ô nhiễm môi trường tại khu vực tổ 3, phường Quang Trung đã đem lại nhiều ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sở tại, tạo cảnh quan đô thị cho khu phố. Tuy nhiên, vì những lý do nêu trên mà hiện nay tuyến đường này chưa được hoàn thiện nên thường xuyên lầy lội, ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân và mỹ quan đô thị. Để giải quyết vấn đề này, ngoài sự sớm vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất của đội ngũ cán bộ cơ sở, cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân trong khu vực cũng nên chủ động, khắc phục khó khăn, thống nhất phương án đóng góp kinh phí đối ứng cùng Thành phố đổ bê tông tuyến đường để phục vụ cho nhu cầu đi lại và sinh hoạt của chính mình, đồng thời tạo mỹ quan cho khu phố.

Sau khi xây dựng hạng mục xong, tuyến đường được mở rộng nhưng thường bị lầy lội, trơn trượt mỗi khi có mưa.