Cần xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở trên Quốc lộ 37

08:03, 17/11/2018

Nhiều năm nay, mỗi lần đi trên Quốc lộ 37, tại Km 147+154,97 - Km 151+230 qua khu vực dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo, đập vào mắt người đi đường là tấm biển cảnh báo “Chú ý đoạn đường sạt lở nguy hiểm”. Không ít người đặt câu hỏi không biết chiếc biển cảnh báo nguy hiểm còn phải treo đến bao giờ?

Dự án cải dịch Quốc lộ 37, đoạn Km 147+154,97 - Km 151+230 qua khu vực dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo được đầu tư xây dựng với mục đích thay thế tuyến Quốc lộ 37 cũ để phục vụ cho việc xây dựng mặt bằng Nhà máy khai thác khoáng sản Núi Pháo. Theo hợp đồng thực hiện Dự án ngày 26/6/2013, Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo chịu toàn bộ trách nhiệm GPMB để thực hiện dự án và GPMB hành lang an toàn đường bộ, đồng thời chi trả toàn bộ kinh phí thực hiện Dự án.

Sau một thời gian thi cöng, đoạn đường mới đã được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 3-2015. Tuy nhiên, vẫn còn đoạn mái taluy cuối tuyến thuộc địa phận xóm 2, thị trấn Hùng Sơn vẫn chưa được thi công hoàn thiện do vướng mặt bằng và chưa giải phóng hành lang an toàn toàn tuyến làm khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đe dọa tới sự an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông qua đoạn đường này.

Trên thực tế, đã xảy ra khá nhiều vụ sạt lở đất tại đây. Gần đây nhất là ngày 17/8/2018, do mưa to, một lượng lớn đất đá đã sạt xuống đường với khối lượng ước khoảng 80 khối. Lượng đất đá này tràn xuống lòng đường cùng với nước mưa đã chảy lan ra đường gây cản trở giao thông và trơn trượt rất nguy hiểm cho các phương tiện đi qua. Ngoài đất đá, còn có khoảng 10m kè bê tông đã bị gãy và rơi xuống lòng đường. Đây là vụ sạt lở thứ tư trong năm 2018 ở đoạn đường này. Điều đáng nói là, tình trạng sạt lở này không phải năm nay mới xảy ra mà từ khi đoạn đường này mới đưa vào sử dụng đã bị sạt lở, những chiếc biển cảnh báo nguy hiểm này đã được dựng lên để nhắc nhở người tham gia giao thông cẩn trọng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ cho biết: Nguyên nhân ở đây thường xảy ra sạt lở là do hai bên mái taluy đường của khu vực này có độ dốc rất lớn, chiều cao lên tới hàng chục mét, thêm vào đó, đất ở khu vực này khá tơi bở, kết dính kém. Qua các đợt mưa bão đã nhiều lần bị sạt lở đất xuống đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chân mái taluy đường. Đặc biệt, trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, vị trí này tiếp tục có nhiều nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, phương tiện và tài sản của người tham gia giao thông, gây tâm lý bất an cho người tham gia giao thông qua đoạn đường này.

ông Chu Thanh Khương, lái xe buýt của Doanh nghiệp Mạnh Hà cho biết: Tôi lái xe buýt tuyến Thái Nguyên - Yên Lãng, ngày nào cũng chạy 6 lượt qua đoạn đường này. Đây là đoạn đường cua nhiều, lại dốc cao, một số đoạn bị khuất tầm nhìn rất nguy hiểm làm cho lái xe hết sức căng thẳng. Mỗi lần đi qua đây, tôi đều phải nắm thật chắc tay lái, đi chậm với tâm lý rất lo lắng, nếu xảy ra tai nạn thì không biết thiệt hại sẽ thế nào, chỉ khi đi qua rồi tôi mới thở phào.

Quốc lộ 37 là đây là tuyến giao thông nối Thái Nguyên với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang;  huyện Đại Từ với các địa phương trong tỉnh, nên có có mật độ phương tiện giao thông qua lại rất đông. Bởi thế, UBND huyện Đại Từ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải tiến hành kiểm tra, khảo sát và hạ thấp độ dốc mái taluy hai bên đường. Theo đó, năm 2016, Sở Giao thông - Vận tải đã lập hồ sơ thiết kế: Xử lý các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đoạn Km150+500 – Km 150+815, Quốc lộ 37 cải dịch thuộc Dự án Cải dịch Quốc lộ 37 đoạn Km 147+154,97 - Km 151+230 qua khu vực dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo. Trong đó, đề nghị Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ kinh phí tổ chức thực hiện công trình. Khẩn trương GPMB hành lang an toàn đường bộ của dự án theo cam kết. Thế nhưng cho đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được xử lý, người dân vẫn lo lắng khi đi qua đoạn đường này.