Kỳ 2: Đâu là giải pháp?

16:51, 15/11/2018

Xử lý xe quá tải không còn là việc mới đối với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng hiệu quả đạt được chưa thực sự như mong muốn. Phải xử lý như thế nào trước tình trạng này để hạn chế tối đa vi phạm và tạo được sự công bằng cho các doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như gây hư hỏng cầu, đường đang tiếp tục là vấn đề được dư luận quan tâm…

Đừng để người dân hứng chịu hậu quả

Tại rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp, người dân nhiều địa phương đã liên tục phản ánh về tình trạng xe quá tải, che chắn không đảm bảo chạy trên đường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bên đường cũng như tính mạng của người tham gia giao thông, phá hỏng cầu, đường... Tuy vậy, ở nhiều nơi, ý kiến đó vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhất là ở những địa bàn có nhiều mỏ khai thác khoáng sản và những nơi có lượng xe tải lưu thông lớn.

Anh Nguyễn Văn Luyện, ở xóm Xuân Quang 1, nhà ở gần mặt đường xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) cho biết: Ngày nào cũng như ngày nào, hàng trăm xe chở đá nối đuôi nhau đi lại trên tuyến đường này để ra Quốc lộ 1B. Xe nào cũng chất đầy hoặc vượt thùng, đá có thể rơi xuống đường bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cũng vì những xe chở đá này mà đường nhựa giờ đã biến thành đường đất, mưa thì lầy, nắng thì bụi. Sau nhiều lần người dân phản đối, các doanh nghiệp mới chịu cho tưới nước 3 lần/ngày nhưng cũng chỉ được một lúc, sau đó đường lại bụi như cũ.

Còn theo chị Ngô Thị Hiền, xóm Công Thương, xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên) khu vực đầu cầu Đa Phúc thì: Vì ô tô tải chở than, cát, clanke… vượt quá thành thùng, lại không được che chắn cẩn thận đã khiến người dân nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề vì bụi. Nhiều tháng gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn không chịu đóng tiền thuê người quét đường và phun nước nên cuộc sống của chúng tôi bị xáo trộn. Trẻ con đi học về phải ở ru rú trong nhà, việc kinh doanh của các hộ như gia đình tôi trở nên ế ẩm… Lý giải về tình trạng này, ông Lê Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Thuận Thành cho biết: Trước đây, khu vực đầu cầu thường có 6 người được thuê quét đường, tiền công do các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn trả. Tuy nhiên, nhiều tháng trước, khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý 24/24 giờ xe chở hàng ở khu vực này, các doanh nghiệp không chở hàng nữa, nên cũng không trả tiền thuê người quét đường. Giờ lực lượng chức năng thôi kiểm tra, các doanh nghiệp lại chở hàng như trước, khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Chúng tôi rất mong ngành Công an có biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ý kiến người trong cuộc

Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi ghi nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng như chính các lái xe, chủ xe xung quanh vấn đề xử lý thế nào về hành vi chở quá tải. Điểm chung mà các ý kiến đưa ra là cần có sự đồng bộ, nghiêm túc, chứ không thể chặt chỗ này, buông chỗ khác. Ông Đặng Quang Cường, Phó Giám đốc Công ty Xi măng Quang Sơn dẫn chứng: Với những hàng hóa mà giá vận chuyển chiếm tới 10-20% giá thành sản phẩm (tùy thuộc khoảng cách xa, gần) như xi-măng thì việc kiểm soát tải trọng có tác động rất lớn đến sự cạnh tranh giữa các đơn vị. Thời gian qua, với việc bị kiểm soát tải trọng đã khiến giá bán xi-măng của Công ty thường cao hơn sản phẩm cùng loại ở các địa phương  ít bị kiểm soát về tải trọng khoảng 50-70 nghìn đồng/tấn, với cự ly trên dưới 100km.

Còn theo anh Trần Văn Quỳnh, xóm Cẩm 2, xã Phục Linh (Đại Từ) - lái xe chuyên chở cát tuyến Tuyên Quang - Thái Nguyên thì: Bản thân tôi cũng không muốn chở quá tải vì nếu bị bắt sẽ phải nộp phạt, có khi còn bị tước Giấy phép lái xe đến 5 tháng, nhưng vì chủ xe yêu cầu thì phải làm. Còn với chủ xe thì cũng cho rằng do bị đối tác "ép" giá cước vận chuyển nên phải buộc tìm cách chở quá tải để cạnh tranh...

Ở một góc độ khác, ông Trịnh Thanh Hà, Giám đốc mỏ sắt Tiến Bộ (xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên) thẳng thắn: Bản thân các doanh nghiệp lúc xuất hàng hóa mà được kiểm soát chặt chẽ và bị xử phạt nếu vi phạm sẽ khiến họ phải tự nâng cao ý thức hơn trong quá trình bốc xếp hàng hóa. Ngay tại đơn vị của tôi, năm 2016, đã bị ngành chức năng phạt hơn 30 triệu đồng do bốc xếp hàng hóa vượt tải trọng 40-50%, từ đó chúng tôi luôn có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh trong việc bốc, xếp hàng. 

Nghiêm túc - công bằng cần được đề cao

Kiểm soát tải trọng là một trong những yêu cầu cần thiết để bảo vệ hạ tầng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông cũng như không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý xe quá tải cần phải được thực hiện tận gốc và đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc thực sự giữa các địa phương và trên các tuyến đường, tránh tình trạng "chặt" chỗ này, "lỏng" chỗ kia.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho rằng: Hiện, lực lượng chức năng đang tập trung, quan tâm nhiều đến việc xử lý quá tải phần ngọn, mà chưa chú trọng đến việc tuyên truyền và kiểm soát phần gốc - nghĩa là từ khi bốc xếp hàng hóa lên xe. Điều này càng cần thiết hơn khi tại các chốt xử lý quá tải hiện nay trên địa bàn tỉnh hầu như chưa thực hiện được việc hạ tải ngay khi phát hiện vi phạm, do không có phương tiện và địa điểm hạ tải. Điều đó đồng nghĩa với việc xử lý quá tải vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra. Thay vì chỗ lập chốt, chỗ không như hiện nay thì nên tăng cường lực lượng tuần tra lưu động để việc xử lý được thực hiện một cách đồng đều hơn, từ đó cũng tránh được tình trạng xe né chốt, né trạm kiểm tra đi vào đường khác.

Còn theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Mặc dù hạ tầng giao thông của tỉnh hiện đã được cải thiện đáng kể, nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên việc siết chặt quản lý xe quá tải là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này, thì cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các ngành chức năng của tỉnh cũng như của Trung ương trong việc chỉ đạo các địa phương cùng đồng loạt thực hiện.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, lực lượng chức năng cần thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân, dư luận; tăng cường kiểm tra đột xuất cả ngày và đêm, nhất là tại các địa bàn, doanh nghiệp có hoạt động bốc xếp hàng hóa lớn; xử lý nghiêm khắc đối với trường hợp tái phạm và vi phạm ở mức độ lớn; tuyệt đối không để xảy ra "vùng cấm" trong xử lý; lắp camera giám sát tại các đơn vị đầu mối vận chuyển hàng hóa và trên các tuyến đường trọng yếu để theo dõi hoạt động vận tải của các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ lợi dụng chức vụ để trục lợi, dung túng cho doanh nghiệp, lái xe vi phạm. Đề xuất với Trung ương xử lý vi phạm đối với cả chủ hàng khi có liên quan đến quá tải. Cùng với đó, chính quyền các cấp cần chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm soát.

Có thể, việc quản lý và xử lý quá tải cần thêm thời gian và nguồn lực để đạt hiệu quả tốt hơn, song điều quan trọng và có thể làm được ngay lúc này là sự vào cuộc trách nhiệm, công tâm trong xử lý của lực lượng chức năng giữa các doanh nghiệp, địa phương, để vấn đề quá tải không trở thành nguyên nhân gây khó cho các doanh nghiệp và cũng để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.n

11 tháng năm 2018, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải đã kiểm tra 2.393 xe vận tải hàng hóa, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 31 xe quá tải, tước giấy phép lái xe 7 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 240 triệu đồng. Bên cạnh đó, đã kiểm tra quá tải tận gốc 7 doanh nghiệp, trong đó, xử phạt 6 doanh nghiệp vi phạm về quá tải, với số tiền phạt 30 triệu đồng.