Dựng rạp đám cưới giữa đường, hay thậm chí là chiếm hết cả đường rồi vô tư mời những người tham gia giao thông đi một lối khác là chuyện chẳng có gì mới ở Việt Nam. Nó diễn ra thường xuyên, đặc biệt là mỗi khi mùa cưới đến. Nhiều hôm, chỉ trên một đoạn đường ngắn mà đã có tới 3-4 cái rạp dựng lên san sát nhau, người đi đường chỉ được chừa lại đúng một ngách nhỏ để lách vào.
Với chỉ một tấm biển để trước rạp với nội dung đại khái ''Nhà có việc xin nhường đường'' là người ta đã có thể thoải mái chăng giằng đủ các thứ từ ảnh cưới, đèn nháy và tất nhiên cả một cái rạp to đùng. Nhà nào cẩn thận chút thì nhấc thêm vài ba khúc gỗ đặt trước rạp, còn không cứ để mặc vậy.
Họ cũng chẳng quan tâm người đi đường nghĩ gì, khó chịu ra sao, thay vào đó là việc làm sao phải dựng rạp cho thật hoành tráng. Trong tư duy của những người này, nhà họ "có việc" đương nhiên là họ có quyền dựng rạp chiếm nửa đường, thậm chí cả đường và các phương tiện phải mặc nhiên tránh họ.
Dù luật đã có quy định rất rõ ràng về việc cấm dựng rạp ra đường, nhưng chẳng mấy khi chính quyền động tới điều này. Cũng bởi cái suy nghĩ ngày vui ai lại tới làm phiền nên nhiều nơi chính quyền tặc lưỡi cho qua.
Nhưng ngày vui chắc chắn sẽ chẳng còn nếu như cái rạp ấy với hàng chục, hàng trăm con người đang ngồi ăn uống vui vẻ bên trong thì bị một chiếc xe tải hay xe khách cỡ lớn lao tới, ủi phẳng. Đừng nói là chuyện đen đủi sẽ chừa gia đình mình ra, bởi trên đường bây giờ chuyện gì cũng có thể xảy ra hết. Đến đi bộ còn bị xe tông chết nữa là chuyện dựng rạp ra lòng đường.
Chẳng phải nói đâu xa, mới đây thôi tại Yên Bái, một đám cưới suýt chút nữa đã biến thàng đám tang khi một xe tải va chạm với một xe đầu kéo rồi lao về phía rạp đám cưới dựng chình ình trên quốc lộ. Phải phúc lớn lắm khi chiếc xe gần tông vào rạp thì bị sập xuống một cái hố. Ngày vui thì chưa thấy đâu nhưng quan viên hai họ chắc được một phen hú vía.
Không hiểu sao khi bây giờ ở đâu cũng trích một số tiền không nhỏ để xây nhà văn hóa, các trung tâm tiệc cưới cũng mọc lên nhan nhản, nhưng nhiều gia đình cũng chỉ vì tiết kiệm vài đồng bạc mà thản nhiên cho quan khách ngồi ăn uống giữa lòng đường, và ngăn với dòng dòng xe cô đi lại nườm nượp đúng bằng một tấm vải. Lỡ có chiếc xe tải nào mất lái, hay một lái xe trong cơn say bia rượu hay ma túy lao vào chiếc rạp dựng sẵn thì vụ tai nạn thảm khốc với hàng chục, thậm chí hàng trăm người chết là điều hoàn toàn có thể. Chẳng biết trong cái ngày vui ấy, khi nâng ly bia ly rượu chúc tụng có ai ý thức được rằng mạng sống của mình đang rất mong manh.
Nếu như 5, 10 năm trước, việc dựng rạp ở lòng đường có thể là bình thường vì xe cộ cũng ít. Nhưng bây giờ chẳng ai nói trước được điều gì khi mà hàng ngày trên mặt báo vẫn đưa tin về vài ba vụ xe “điên”. Cũng vì thế mà việc dựng rạp rồi ngồi ăn uống với nhau trong đó chẳng khác nào việc tổ chức một cuộc tự sát tập thể. Lòng đường phải là nơi để cho xe cộ đi lại chứ không thể lấy làm nơi tổ chức ma chay - cưới hỏi. Thiếu gì chỗ, thiếu gì nơi để làm mà cứ phải ngang nhiên mang rạp ra dựng ngoài đường. Hay ngày vui không muốn lại muốn một đại tang.
Dựng rạp giữa đường và những hiểm họa khôn lường dù đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng không hiểu vì sao mà nhiều năm qua vẫn nhan nhản các trường hợp dựng rạp hiếu - hỉ giữa đường như muốn tổ chức một cuộc tự sát tập thể. Người dân mông muội làm càn, nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ở đâu, làm gì khi những sự việc ấy diễn ra công khai và ngang nhiên đến như vậy? Phải chăng họ đã không nhìn thấy?
Nói dại miệng, lỡ có chiếc xe tải nào mất lái, hay một lái xe trong cơn say bia rượu hay ma túy lao vào chiếc rạp dựng sẵn thì vụ tai nạn thảm khốc với hàng chục, thậm chí hàng trăm người chết chết dưới gầm xe tải. Và nếu chuyện đó xảy ra thật với những cái chết tập thể thì rõ ràng đó là tội tày đình.