Nửa cung đường Việt Bắc

14:07, 04/03/2019

Đường Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng nhằm tạo ra sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng xuyên suốt từ Bắc tới Nam. Đối với các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, tuyến đường này đi qua nhiều di tích lịch sử quan trọng và nhiều vùng kinh tế trọng điểm, bởi thế tuyến đường không chỉ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau mà còn là động lực để “Cho Tổ quốc mai sau lên tuyến đầu nhân loại”...

Khởi phát từ miền biên viễn Cao Bằng, đường Hồ Chí Minh xuyên qua nhiều vùng đất của các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và qua Phú Thọ để hợp tuyến về phương Nam… Đoạn tuyến đi qua 4 tỉnh Việt Bắc với tổng chiều dài gần 280km được chia làm nhiều giai đoạn đầu tư xây dựng (từ năm 2012 đến sau năm 2020).

Tổng chiều dài toàn tuyến trên địa bàn Cao Bằng khoảng 52,47km với tổng mức đầu tư 443,573 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ 20/9/2008, đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đoạn tuyến từ T.P Cao Bằng đến T.P Bắc Kạn đa phần trùng với Quốc lộ 3 vẫn chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng nên có nhiều đèo cao, mặt đường cong nhỏ, độ dốc lớn nên hàng năm tai nạn giao thông xảy ra, phương tiện tham gia giao thông khó khăn. Do vậy, cử tri tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đã nhiều lần kiến nghị Quốc hội xem xét có ý kiến nâng cấp cải tạo tuyến đường Hồ Chí Minh các đoạn tuyến đi trùng với Quốc lộ 3 phù hợp với chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc Hội.  Với tỉnh Bắc Kạn, đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua được đầu tư xây dựng một số đoạn tuyến như: Đoạn tránh trung tâm huyện Ngân Sơn và thị trấn Nà Phặc đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi (chiều rộng nền đường 9m; chiều rộng mặt đường 8m bao gồm cả phần gia cố lề) triển khai thi công xây dựng từ tháng 12-2016 và hoàn thành trong 2019. Các đoạn còn lại qua địa phận tỉnh Bắc Kạn dài khoảng 120km cơ bản trùng với Quốc lộ 3 chưa được đầu tư xây dựng.

Đối với đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Thái Nguyên có chiều dài toàn tuyến 17,44km. Trong đó, qua địa phận huyện Định Hóa dài 11,378km; qua địa phận huyện Phú Lương dài 6,06km với tổng vốn đầu tư 235 tỷ đồng. Ngay từ khi bắt đầu triển khai Dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, cấp ủy, chính quyền 2 huyện nêu trên phối hợp chặt với cơ quan chức năng của Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện công tác GPMB đảm bảo tiến độ kế hoạch với diện tích bàn giao trên 33,4ha.

Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng Phòng điều hành dự án 6, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết: Theo kế hoạch, các hạng mục thuộc đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Thái Nguyên phải hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2018. Tuy nhiên, tiến độ bị ảnh hưởng do thời tiết mưa nhiều, địa hình, địa chất phức tạp, kết quả giải phóng mặt bằng còn một số vướng mắc do người dân chưa thông hiểu chính sách nên chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao đất cho chủ đầu tư. Do vậy đã làm chậm thời gian thi công xây dựng công trình. Trong năm 2019, chủ đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các hạng mục còn lại.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: Đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Việt Bắc trong đó có Thái Nguyên đã mở lối hòa nhập cho 4 tỉnh miền núi phía Bắc vào sự phát triển chung của cả nước. Khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng đã được rút ngắn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng; nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực dự án đi qua được cải thiện đáng kể. Các đường gom, đường ngang, đường dân sinh kết nối với đường Hồ Chí Minh tạo ra sự thông thương đi lại thuận tiện và hình thành các cụm dân cư mới xuất hiện dọc theo hai bên đường Hồ Chí Minh. Có đường mới sẽ nâng tỷ giá đất tăng lên, giúp tỉnh có thể thu hút đầu tư mạnh hơn mở ra nhiều khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho con em đồng bào trong tỉnh, đảm bảo an sinh, xã hội...

Đi trên con đường mới, bà con đồng bào Việt Bắc rất phấn khởi nên khi được hỏi chị Ma Thị Sen, xóm Đồng Muông, xã Yên Ninh (Phú Lương) đã vui vẻ chia sẻ: Ngày trước đường cũ nhỏ, trơn lầy rất khó đi lại. Người dân trồng được chè, nuôi được gà, lợn cũng khó bán lắm. Giá rẻ vì thương lái ngại đường xa đến thu mua. Nay có đường lớn, vợ chồng tôi sẽ vay vốn ngân hàng về phát triển kinh tế trang trại để làm giàu cho quê hương. Cùng chung niềm vui có đường mới, bà Nguyễn Thị Sáu, 70 tuổi dân tộc Tày ở xóm Đồng Muông, xã Yên Ninh bảo: Ngày trước tôi còn nhỏ nghe các cụ kể Bác Hồ cùng cán bộ cách mạng đã đi qua đây theo đường rừng lắm hùm beo. Nay Đảng, Nhà nước đầu tư mở đường lớn cho đồng bào đi lại dễ dàng nên ai cũng cũng vui.

Từ đường mòn trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh, đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã dài, rộng và hiện đại gấp nhiều lần bởi được hội tụ từ thành quả của đất nước những năm hòa bình. Tuyến đường là biểu tượng của sự vượt khó vươn lên và là cơ hội thông thương phát triển kinh tế - xã hội trong nước, hợp tác đầu tư với các nước trong khu vực và trên thế giới.