Ẩn họa từ sau tay lái

10:24, 04/11/2019

Tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của nhiều người. Nhiều người bị tai nạn giao thông không chết, nhưng suốt đời mang thương tật, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Sau mỗi vụ việc, “người ta” lại truy tìm nguyên nhân gây nên sự cố, như do lái xe buồn ngủ, đoạn đường khuất tầm nhìn hoặc do xe bị trục trặc kỹ thuật bất ngờ… Nhưng dù lý do nào thì cũng khó tìm kiếm được sự cảm thông, nhất là với những lái xe gây tai nạn do cẩu thả, đi quá tốc độ, vượt ẩu, sử dụng rượu bia, ma túy. 

Ông Trần Văn Hùng, 70 tuổi, ở phường Chùa Hang (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Tôi có thâm niên gần 40 năm chạy xe moóc, vận chuyển sắt thép từ Thái Nguyên lên Cao Bằng. Nhiều khi uống rượu, bia vẫn gà gật chạy xe đổ đèo. Có người đâm ta luy, có người gây tai nạn giao thông, tôi may mắn không phải ân hận vì làm ai đó đi trên đường bị thương. Nhưng nghiệm lại, khi đã sử dụng các chất kích thích, hoặc bản thân gặp chuyện không vui, hoặc đang buồn ngủ thì không nên lái xe ô tô hoặc xe mô tô trên đường. Vì ở trạng thái đó, mình chính là ẩn họa cho một tai nạn giao thông. 

Do chủ quan, thiếu quan sát khi điều khiển phương tiện giao thông của cả 2 phía đã gây nên những cái chết tức tưởi. Nhưng cũng có những cái chết do nạn nhân tự gây ra. Đó là vì thiếu ý thức, coi thường chính mạng sống của mình. Đặc biệt những năm gần đây, nhiều vụ việc tai nạn giao thông do nạn nhân sử dụng ma túy, đã lái xe trong trạng thái ảo giác. Điển hình như vụ tai nạn giao thông xảy ra hồi tháng 32019, tại địa bàn xã Hoá Trung (Đồng Hỷ). Lái xe tải Nguyễn Văn Khoản, người huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã đâm xe trực diện vào một chiếc xe ô tô đi ngược chiều, khiến 1 người chết, 7 người bị thương. Đại úy Nguyễn Đắc Thái Anh, Đội phó Đội tuần tra kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Trong 6 tháng gần đây, đơn vị kiểm tra, phát hiện 14 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. 

Tai nạn giao thông gần như một áp lực tâm lý nặng nề với nhiều người, vì thế khi đi trên đường, vô tình gặp tai nạn giao thông, người ta thường dừng lại xem biển số xe, xem nạn nhân là ai rồi mới tiếp tục đi. Thậm chí có suy nghĩ tiêu cực là đi đúng Luật Giao thông cũng chưa chắc an toàn. Bởi thực tế đã xảy ra những tai nạn hy hữu bất ngờ, như xe ô tô cán người hàng loạt khi đang dừng đèn đỏ; xe ô tô đâm thẳng vào nhà dân lúc nửa đêm; xe ô tô lao lên vỉa hè gây tai nạn cho người đi bộ; xe tự lao xuống ta luy âm, xe đâm vào ta luy dương vì… mất phanh. Thực tế do người điều khiển phương tiện thiếu ý thức, trước lúc vận hành xe ô tô, mô tô không kiểm tra an toàn kỹ thuật; thiếu tỉnh táo khi điều khiển xe dẫn đến không làm chủ được tốc độ. Chỉ trong 8 ngày gần đây (từ 17 đến 24-10), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 người chết, 5 người nhập viện cấp cứu. Cũng trong thời gian này, hơn 1.000 trường hợp lái xe ô tô, mô tô bị lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra, lập biên bản xử lý vì vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Ông Phạm Công Huấn, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh chia sẻ: Tai nạn giao thông để lại hậu quả nặng nề cho nạn nhân và thân nhân của họ. Như trường hợp bà Phạm Thị Liễu, tổ 12, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên), 72 tuổi phải nuôi 2 cháu nội từ hơn 7 năm nay. Khi con trai, con dâu bà bị chết do tai nạn giao thông, cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ 30 tháng tuổi. 3 bà cháu phải đối diện với chuyện áo cơm hằng ngày. Còn trường hợp bà Đỗ Thị Mai, xóm Cây Cài, xã Cổ Lũng (Phú Lương) kể: Nhà tôi có 2 người bị tai nạn giao thông. Tôi bị cụt 1 chân. Ít năm sau thì con trai tôi là Nguyễn Hải Sơn bị xe ô tô cán chết ngoài đường trước giao thừa năm 2012 khoảng 30 phút.

Những cái chết do tai nạn giao thông trở thành nỗi ám ảnh đối với người trong cuộc. Ông Đồng Tất Thắng, T.P Yên Bái (Yên Bái) do điều khiển xe ô tô sơ ý gây tai nạn với bà Dương Thị Lệ Tuyết, ở thị trấn Đu (Phú Lương) ngày 19/10/2016. Bà Tuyết bị chết ngay tại chỗ. Ông Thắng nói rầu rĩ: Từ đó đến nay chưa đêm nào tôi ngủ ngon, cứ nhắm mắt vào là tiếng la hét, đau đớn của nạn nhân dội về.