Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp xe khách chạy tuyến cố định, xe buýt dừng, đón trả khách sai quy định. Nhưng kết quả chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Khi có mặt cơ quan chức năng thì các phương tiện vận tải chấp hành nghiêm túc nhưng khi lực lượng chức năng rút thì tình trạng này lại đâu vào đấy, bởi thế về lâu dài cần có giải pháp mang tính đồng bộ…
Thực hiện theo đúng quy hoạch
Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, sở dĩ tình trạng đón trả khách không đúng nơi quy định chưa được xử lý triệt để là do tỉnh ta vẫn còn thiếu điểm dừng đón trả khách. Thậm chí ở nhiều vị trí có điểm dừng đỗ còn không phát huy tác dụng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Nhà xe Hùng Hường (chạy tuyến TN Nam Định) trên QL 3 cũ, cho biết: Trước đây, cổng Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính TN có cắm biển “Điểm đón, trả khách tuyến cố định” thế nhưng không biết vì sao, đến nay biển báo không còn nữa. Trong khi tại đây rất nhiều sinh viên có nhu cầu bắt xe khách đi các tỉnh, thành về quê vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Để giải quyết điều này, theo ông Nguyễn Văn Tuân, Nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa TN: Cơ quan chức năng nên bổ sung thêm điểm đón trả khách tuyến cố định tại chợ Bờ Hồ (phường Tân Lập) bởi hiện nay người dân sống tại khu vực này có nhu cầu đi xe khách khá lớn. Hơn nữa, sẽ thuận tiện cho sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính bắt xe khách cũng như giảm tải lượng khách tập trung đón xe tại điểm Chợ Tây Ba Nhất. Cũng trên QL 3 cũ, nhiều doanh nghiệp vận tải còn kiến nghị nên chuyển điểm dừng, đón trả khách tuyến cố định nằm đối diện Bệnh viện C (T.P Sông Công) qua ngã ba uBND phường Phố Cò khoảng 200-300m, nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong trung tâm T.P Sông Công ra QL 3 bắt xe đồng thời giảm nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.
Đối với mạng lưới nhà chờ, điểm dừng đỗ của xe buýt, đại diện Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan, ông Nguyễn Mạnh Hà nói: Các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh hiện còn thiếu khá nhiều điểm dừng đỗ. Cụ thể, đối với 6 tuyến xe buýt của hãng xe buýt Hà Lan bao gồm: Tân Long – T.X Phổ Yên, TPTN - Quân Chu (Đại Từ), Quân Chu - Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình); TPTN - Định Hóa, TN - Bắc Kạn và Khu di tích 915 - ATK Định Hóa, hiện thiếu khoảng 18 điểm, dừng đón trả khách. Ngược lại, có khoảng 10 điểm bất hợp lý do nằm tại những vị trí không an toàn như gần ngã ba, đoạn đường cong, xa khu dân cư…
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải khách cố định nội tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong giai đoạn 2014-2020 sẽ duy trì 10 tuyến nội tỉnh đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giai đoạn 2020-2030, sẽ chấn chỉnh toàn bộ hoạt động của các tuyến vận tải nội tỉnh hiện tại, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ kết nối giữa vận tải nội tỉnh và vận tải xe buýt/xe khách liên tỉnh của TN, mở thêm 7 tuyến nội tỉnh khác. Tổng số điểm dừng đón trả khách cho 17 tuyến này là 368 điểm. Còn theo Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh sẽ có 12 tuyến xe buýt với hơn 500 điểm dừng đỗ. Nếu các điểm dừng đỗ này được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch sẽ góp phần không nhỏ làm hạn chế tình trạng xe bắt khách dọc đường, tranh giành hành khách giữa các hãng xe, đảm bảo an toàn cho người đi đường và ổn định trật tự hoạt động vận tải.
Siết chặt quản lý
Để góp phần giảm thiểu tình trạng đón, trả khách không đúng nơi quy định, đưa hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, thiết nghĩ ngành chức năng cần tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực vận tải và xử lý vi phạm. Đối với loại hình vận tải xe buýt, hiện nay còn tồn tại một bất cập trong quy hoạch là nhiều tuyến xe buýt có lộ trình trùng nhau. Theo ông Phạm Đăng Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vận tải TN: Hiện nay, cung cầu xe buýt trên địa bàn tỉnh chưa cân đối. Hơn nữa, theo nguyên lý kinh tế vận tải, nếu lộ trình xe buýt trùng nhau nhiều sẽ tiềm ẩn nguy cơ dừng đón, trả khách lâu, phóng nhanh vượt ẩu để tranh giành khách. Đáng nói, hiện nay, việc xe buýt được phép dừng bao lâu để đón, trả khách chưa có quy định cụ thể nên lực lượng chức năng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này. Đây là vấn đề cần được các cấp, ngành chức năng quan tâm, xem xét và giải quyết.
Cũng liên quan đến khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm dừng, đón trả khách, theo ông Hoàng Minh Đức, Phó Chánh Thanh tra (Sở Giao thông - Vận tải) cho hay: Do địa bàn rộng, nhiều tuyến đường giao thông phức tạp, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng, vì thế, công tác tuần tra, kiểm tra chưa được quyết liệt, thường xuyên. Còn theo Đại úy Nguyễn Nam Hưng, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và Xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh): Thời gian qua, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương vẫn chưa phối hợp chặt chẽ để tiến hành các đợt kiểm tra liên ngành về xử lý tình trạng xe đón trả khách sai quy định. Tình trạng này tồn tại từ nhiều năm qua, nhất là đối với xe khách chạy tuyến cố định. Còn đối với xe buýt thì việc vi phạm xảy ra ít hơn và tập trung chủ yếu ở các huyện và khu vực ngoại thành.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Cùng với việc tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải, Sở sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng xử lý các xe kinh doanh vận tải hành khách vi phạm đón, trả khách trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát các xe ra vào các bến, kịp thời phát hiện, xử lý xe bỏ. Đồng thời, thực hiện theo dõi, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiểm tra, rà soát các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, nhất là dọc theo các tuyến QL, tỉnh lộ, đề xuất bổ sung biển báo vị trí đón, trả khách cho các tuyến cố định, các tuyến xe buýt. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp để họ nâng cao ý thức, trách nhiệm khi kinh doanh, sử dụng dịch vụ vận tải hành khách.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Phương tiện và Người lái (Sở Giao thông-Vận tải): Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khiến cho việc lắp đặt các hệ thống biển báo giao thông, xây dựng nhà chờ phục vụ người dân đón xe khách, xe buýt còn gặp nhiều khó khăn. |
Ông Nguyễn Đăng Lợi, Nhà xe Đức Thịnh (chạy tuyến TN- Thái Bình): Bản thân doanh nghiệp kinh doanh vận tải ngoài tỉnh hoạt động qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên, khi muốn đề nghị bổ sung điểm đón, trả khách thì chưa biết quy trình thực hiện, đề nghị cơ quan nào giải quyết. |