Từ khi cầu treo Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) được đưa vào hoạt động, người dân 2 bên sông Cầu (khu vực xã Đồng Liên và những xã lân cận của huyện Phú Bình) đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đơn vị chủ đầu tư chỉ bán vé tháng cho học sinh và giáo viên, còn những người dân khác phải trả phí theo lượt. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân khi đi qua cây cầu này.
Cầu treo Đồng Liên (trước đây thuộc huyện Phú Bình, nay thuộc T.P Thái Nguyên) chính thức được khởi công năm 2009, theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng chuyển giao) do Công ty Cổ phần (CP) Bia và nước giải khát Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Năm 2010, cây cầu treo này hoàn thành và đưa vào hoạt động, đáp ứng mong mỏi của người dân trong xã Đồng Liên và những xã lân cận. Để đảm bảo thu hồi vốn, chủ đầu tư thu phí từ cuối năm 2011 và hiện nay thu với mức 2,5 nghìn đồng/lượt xe máy, từ 10 đến 15 nghìn đồng/lượt xe ô tô; đối với vé tháng là 60 nghìn đồng/tháng theo đúng quy định của HĐND tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, chủ đầu tư chỉ bán vé tháng cho 2 đối tượng ưu tiên là học sinh và giáo viên, với giá vé 60 nghìn đồng/tháng đối với phương tiện là xe mô tô. Còn lại, các đối tượng khác đi khi đi ô tô, xe máy đều phải trả tiền theo lượt (trừ các loại xe ưu tiên theo quy định). Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên cho biết: Việc trả tiền theo lượt rất bất tiện và tốn kém cho người dân khi đi lại nhiều lần qua đây. Vì vậy, nhiều năm liền, không chỉ gần 70 hộ dân trong xóm Xuân Đám mà có hàng trăm hộ dân ở những xóm gần cây cầu kiến nghị được mua vé tháng nhưng Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên không đồng ý mà không đưa ra bất cứ lý do gì. Người dân trong xóm chủ yếu trồng rau, trong khi đó, thị trường tiêu thụ lại là các chợ thuộc phía Nam T.P Thái Nguyên nên nhu cầu qua cầu treo Đồng Liên rất lớn. Việc phải trả tiền cầu theo lượt đi lại như vậy nên nhiều gia đình có 2 hoặc 3 người làm ở khu vực trung tâm T.P thì hàng tháng phải mất 200 đến 300 nghìn đồng hoặc nhiều hơn. Còn chị Nguyễn Thị Xuyến, nhà ở phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) đang thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn tại xóm Xuân Đám cho biết: Hàng ngày, tôi phải đi ô tô xuống chở rau, cả đi và về 2 lượt, mất 40 nghìn đồng; quá tốn kém nên mỗi khi xuống lấy rau, tôi đành dùng xe cải tiến để đẩy qua cầu rồi chất lên ô tô để chở đi bán...
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Song, Phó Giám đốc Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên cho biết: Sau khi tỉnh và huyện Phú Bình có chủ trương mời gọi đầu tư, Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Thái Nguyên quyết tâm xây dựng cầu treo Đồng Liên, với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng thì hình thức đầu tư hợp đồng chuyển giao vẫn còn mới với doanh nghiệp và chính quyền địa phương nên các thủ tục pháp lý còn thiếu. Đến thời điểm hiện tại cũng chưa thể hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán và hợp đồng. Bên cạnh đó, quá trình khảo sát đánh giá lượt phương tiện đi qua cầu của cơ quan chức năng không tính đến lượng người mua vé tháng nên cũng chưa tính được thời gian thu phí hoàn vốn. Vì vậy, hiện nay đơn vị chỉ bán vé tháng cho 2 đối tượng ưu tiên là giáo viên và học sinh. Còn tất cả những đối tượng khác chưa được mua vé tháng... Khi nào các thủ tục pháp lý hoàn thiện, quyết toán, khảo sát thực tế nhu cầu đi lại của người dân để tính toán thời gian thu phí hoàn vốn, sẽ tiến hành bán vé tháng cho người dân...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Văn bản số 2600/STC-QLC ngày 25/8/2015 của Sở Tài chính về việc thực hiện thu phí qua cầu treo trên địa bàn tỉnh thì tất cả người dân có nhu cầu đi lại đều được mua vé tháng tại tất cả các cầu treo đầu tư theo hình thức BOT, BT, trong đó có cầu treo Đồng Liên. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân khi khi có nhu cầu đi lại nhiều lần qua cây cầu này.