Thời gian qua, huyện Phú Lương đã ưu tiên đầu tư phát triển giao thông nông thôn (GTNT) cho các xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với tiêu chí “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều địa phương trong huyện đã được đầu tư để hoàn thiện hệ thống GTNT. Ghi nhận của chúng tôi tại xã Phủ Lý.
Xóm Đồng Cháy, xã Phủ Lý có 46 hộ với 175 nhân khẩu thì có trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước năm 2018, việc đi lại của người dân trong xóm gặp nhiều khó khăn. Mặc dù chỉ cách UBND xã vài trăm mét nhưng để vào xóm Đồng Cháy, người dân phải đi qua cây cầu làm bằng tre bắc qua sông. Ông Hoàng Văn Thuần một người dân trong xóm chia sẻ: Năm 2015, khi xây dựng nhà, gia đình tôi phải chuyển từng viên gạch, bao cát, xi măng từ đường ĐT 632 qua cầu, sau đó lại dùng xe kéo về nhà. Các sản phẩm chè, keo gia đình cũng phải vận chuyển ra tận đầu cầu mới có người thu mua.
Năm 2018, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và đối ứng của các địa phương, xóm Đồng Cháy đã được xây dựng cầu cứng có trọng tải 10 tấn thay thế cho cây cầu tre tạm bợ. Bộ mặt nông thôn của xóm nhờ vậy đã có nhiều đổi thay, việc đi lại cũng như thông thương hàng hoá của người dân thuận lợi hơn. Bà Bùi Thị Ngọc, Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Đồng Cháy phấn khởi: Có cây cầu cứng, giải quyết được vấn đề vận chuyển vật liệu, xóm mới có thể triển khai xây dựng các công trình đường giao thông, nhà văn hoá. Đến nay, nhân dân trong xóm đã hiến hơn 4.000m2 đất, đóng góp xây dựng gần 1km đường bê tông.
Cùng với xóm Đồng Cháy, hệ thống GTNT trên địa bàn xã Phủ Lý đã có nhiều khởi sắc. Trong 10 năm qua, xã Phủ Lý đã tranh thủ nguồn vốn Chương trình 135, hỗ trợ dành cho các xã ATK, xây dựng nông thôn mới… và huy động sự đóng góp của nhân dân, xã đã xây dựng được 3 cây cầu (gồm: cầu Ba Cẳng ở xóm Na Biểu, cầu Đồng Vẽn nằm tại xóm Đồng Rôm và cầu Cây Hồng thuộc xóm Khe Ván); bê tông hóa được 10/16km đường liên xóm và 6,5/11,8km đường ngõ xóm; cứng hóa 1,7km đường nội đồng.
Ông Hoàng Thanh Đoá, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết: Trong công tác xây dựng đường GTNT, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, một trong những vấn đề được chúng tôi chú trọng nhất là khâu tuyên truyền, vận động sức dân.
Từ năm 2010 đến nay, xã đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xóm được 36 tin, bài về xây dựng NTM; tổ chức 3 cuộc thi tìm hiểu về nông thôn mới và thu hút được hơn 1.600 lượt người tham gia, tuyên truyền bằng các tờ rơi được gần 16.000 tờ... Nhờ vậy, người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển GTNT, bà con đã tích cực chung sức cùng địa phương làm đường GTNT. 10 năm qua, nhân dân trong xã đã hiến trên 50.000m2 đất và đóng góp hơn 3.000 ngày công lao động để tu sửa, xây dựng các công trình đường giao thông...
Với sự đoàn kết, chung tay, đồng thuận bằng quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân trong xã, xã Phủ Lý đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng xong hệ thống GTNT trong năm 2020.