Thực hiện sứ mệnh "đi trước mở đường"

09:51, 28/08/2020

Những ngày Thu tháng Tám lịch sử này, ngành Giao thông - Vận tải (GT-VT) tự hào kỷ niệm 75 năm truyền thống “đi trước mở đường” (28/8/1945 - 28/8/2020). Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, những “chiến sĩ” trên mặt trận GT-VT hôm nay sẽ tiếp tục thi đua phấn đấu hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, tập trung xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Câu nói của Bác đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngành GT-VT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế lịch sử đã chứng minh, kể từ khi thành lập ngày 28/8/1945 đến nay, sự phát triển của ngành GT-VT luôn gắn liền với những chặng đường vinh quang của đất nước trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ngành đã có đóng góp quan trọng, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta giành được những thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng.
 
Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên là vùng ATK, nơi hội tụ các đầu mối giao thông “tỏa đi” các chiến dịch, tiêu diệt quân thù. Thời kỳ này, mỗi cán bộ, công nhân viên ngành GT-VT Thái Nguyên đã cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt để vận chuyển quân, vũ khí và hàng hóa đi các mặt trận, địa phương. Sự đồng lòng giữa “ý Đảng, lòng dân”, sự đồng thuận trong huy động sức dân của công tác dân vận đã giúp Thái Nguyên góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. 
 
Trong thời kỳ giặc Mỹ mở rộng ném bom ra Miền Bắc, Thái Nguyên - “cái nôi” của ngành công nghiệp nặng cả nước là một trong những địa điểm đánh phá ác liệt của địch, hệ thống giao thông Thái Nguyên bị tàn phá… Dưới mưa bom, các cán bộ kỹ thuật của Ngành đã tận tụy cùng với nhân dân thực hiện phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Ngoài tu bổ hàng trăm km đường giao thông và hệ thống cầu bị hỏng do bọm đạn, ngành đã khẩn trương làm mới hàng chục bến phà, cầu phao, đường ngầm phục vụ vận tải. Để làm được kỳ tích đó, ngoài nỗ lực của cán bộ, công nhân viên ngành, đó là sự chung tay góp công, góp của của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Cầu Bến Vạn bắc qua sông Công nối liền 2 xã Vạn Phái - Nam Tiến (T.X Phổ Yên) được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ đầu tháng 3-2020 với kinh phí đầu tư xây dựng gần 17 tỷ đồng, thay thế cầu treo cũ. Ảnh: N.H
 
75 năm qua, ngành GT-VT tỉnh luôn nêu cao tinh thần “đi trước mở đường” trong thời chiến cũng như thời bình. Được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, đầu tư. Mạng lưới giao thông của tỉnh đã từng bước hoàn thiện, hiện đại là điều kiện quan trọng để thu hút các dự án đầu tư vào Thái Nguyên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc xác định “đúng và trúng” các nhóm dự án giao thông trọng điểm để thực hiện đầu tư đã phát huy tối đa tính “liên kết vùng” trong giao thông, giúp Thái Nguyên phát triển kinh tế và du lịch. Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 cũ Thái Nguyên - Hà Nội; đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1). Quốc lộ 3C, Quốc lộ 17... giúp Thái Nguyên - Trung tâm vùng Việt Bắc lan tỏa đi khắp các tỉnh, thành trong khu vực.
 
Trong giai đoạn 2020-2030, ngành GT-VT tỉnh xác định tiếp tục phấn đấu để “thỏa mãn nhu cầu vận tải của xã hội với chất lượng ngày càng cao, hạn chế tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường; có mạng lưới giao thông phù hợp, liên hoàn, liên thông giữa mạng giao thông tĩnh với mạng giao thông quốc gia, khu vực và quốc tế”. Tiếp tục có những chính sách quan tâm cho đầu tư cho hạ tầng giao thông đối ngoại, mang tính chất liên kết vùng gồm: Đầu tư giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh đi Tuyên Quang; đầu tư hoàn thiện đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội kết nối Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc. Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1B đi Lạng Sơn, Quốc lộ 37 đi Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và cấp III đồng bằng; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 Quốc lộ 3 đến Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; hệ thống đường du lịch vùng hồ Núi Cốc…
 
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như sứ mệnh tiên phong “đi trước mở đường”, ngành GT-VT tỉnh xác định cần tiếp tục đổi mới trong thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này; phát huy nội lực trong nhân dân, đẩy mạnh công tác dân vận để tạo đồng thuận cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.