Tuyến đường liên huyện T.P Thái Nguyên - T.X Phổ Yên được người dân ví von là đường… nhị phúc bởi nó thông qua 2 xã: Phúc Thuận và Phúc Tân. Nhưng 5 năm gần đây, nhiều người phàn nàn khi có việc lên thành phố, hoặc về thị xã, bởi họ phải đi trên trục đường dài 12km sần sượng đá và liên miên ổ nước bẩn to như vũng voi đằm.
Người dân có nhà hai bên đường đã quen với khung cảnh đường trước ngõ “mưa lầm, nắng bụi”. Ngay như vào những ngày đầu tháng Mười, mặt trời đã rọi nắng cả tuần, song những hố voi đằm trên đường vẫn còn chứa đầy nước, ngầu bẩn. Những người đi xe máy phải “lượn” lái bên mép vũng nước, vô phúc gặp xe ô tô đi cùng chiều hoặc ngược chiều, qua ổ nước, sức nặng của tải trọng xe đằm xuống, bùn bắn tung tóe.
Ông Trần Như Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Tân cho biết: Tuyến đường này đã có từ hàng chục năm nay. Nhưng trước đó là đường đất, rồi nâng cấp thành đường trải đá cấp phối. Năm 2008, Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường này từ nguồn vốn WB (Ngân hàng thế giới). Khởi đầu tuyến đường nối vào khu vực Đá Mài, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) và nối với trục đường 261 T.X Phổ Yên. Tổng tuyến dài 12,7km, với kinh phí đầu tư xây dựng trên 17 tỷ đồng. Để thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, tuyến đường được mở rộng từ 5m lên 8m, trong đó 3,5m lòng đường được trải thảm nhựa.
Ông Trần Ngọc Phái, 69 tuổi, xóm 7, xã Phúc Tân kể: Tôi không có nhà giáp với trục đường này, nhưng tôi được chứng kiến hồi bấy giờ (năm 2008), bà con hai xã phấn chấn hiến đất, hiến công cùng Nhà nước mở rộng tuyến đường… Đến xã Phúc Thuận, vào một hộ dân bên đường, gặp chủ nhà là ông Trần Mạnh Thừa, 83 tuổi, chúng tôi hỏi chuyện làm đường qua ngõ, ông Thừa bảo: Nhà nước mở đường lớn qua làng, đồng nghĩa với việc nhân dân chúng tôi được thuận lợi hơn trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Cơ hội thoát nghèo cũng lớn hơn. Còn bà Lý Thị Huệ, xóm Hồng Cóc cho biết: Vì mải chăm lo cho đàn lợn gần trăm con, sau Tết Nguyên đán năm 2009 có việc lên thành phố, tôi ngạc nhên vì đường xóc ốc trước đó đã được trải nhựa. Rồi cái dốc tức ngực đoạn cuối đất thuộc xã Phúc Tân sang thành phố cũng được hạ thấp độ cao, bà con thuận tiện hơn nhiều trong việc đi lại.
Để lên thành phố, về thị xã đều được thuận lợi như lời bà con, ngoài số tiền đầu tư trên 17 tỷ đồng của WB, nhân dân 2 xã này đã hiến hơn 50.000m2 đất ở, đất sản xuất và gần 1.000 ngày công phá rỡ tường rào, tận thu cây hoa lợi của gia đình. 100% hộ dân có nhà bên đường tích cực ủng hộ. Việc này minh chứng chính quyền 2 xã đã triển khai, thực hiện hiệu quả công tác dân vận.
Nhưng… chỉ ít năm sau đó, tuyến đường này bị xe vận chuyển lâm sản, xe trọng tại lớn đi lại băm nát, nhiều đoạn không còn thảm nhựa, mà nhầy nhụa bùn đất.
Khắc phục tình trạng đường xuống cấp, chính quyền 2 xã Phúc Tân, Phúc Thuận chủ động huy động nhân dân sử dụng đất lấp vá các ổ voi đằm trên mặt đường. Tuy nhiên chỉ sau những ngày trời mưa, đất nhão, xe ô tô các loại băm thành bùn, bê bết bẩn và mặt đường trở lại với hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng… Bởi thế, người dân rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, vì mỗi ngày hàng nghìn con người vẫn phải đi lại, trong đó có hàng trăm em nhỏ cắp sách đi trên đoạn đường này đến trường.