Triển khai thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) của Chính phủ, sau 8 năm (2012-2020), NKT trên địa bàn Thái Nguyên còn hạn chế về tiếp cận lĩnh vực giao thông. Các tiêu chí như xe buýt đảm bảo tiếp cận của NKT; cấp thẻ đi xe buýt miễn phí, giảm giá vé cho NKT đều có tỷ lệ… bằng không. Các cánh cửa của phương tiện giao thông; hệ thống giao thông đều còn như một lối hẹp đối với NKT.
Hầu hết các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy trên địa bàn tỉnh chưa được thiết kế, xây dựng phần giao thông dành cho NKT. Do vậy, NKT khi có việc tham gia giao thông đều gặp nhiều khó khăn. Và phải loay hoay khắc phục, hoặc nhờ có sự trợ giúp của người nhà.
Theo ông Hà Huy Giang, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Hiện toàn tỉnh có 4.915km đường bộ; 75km đường sắt (toàn tuyến) và 9 bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên tại thời điểm này, tuyến đường sắt đang tạm dừng hoạt động. Còn 3 bến thủy nội địa tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc với 12 phương tiện vận tải khách đang hoạt động; 6 bến ngang sông đều chưa có cầu tàu lên, xuống dành cho NKT. Về hạ tầng cơ sở mới có Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên có xây dựng lối đi, nhà vệ sinh dành riêng cho NKT. Còn tại 248 điểm dừng, 50 nhà chờ xe buýt không thiết kế trợ giúp riêng cho NKT.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Từ Thái Nguyên đã có 117 tuyến bắt đầu xuất phát từ bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên. Còn lại xuất phát từ bến xe các huyện, thị trong tỉnh. Sản lượng vận tải khách bằng ô tô đạt bình quân 15 triệu lượt/năm. Vì lý do trong tổng sản lượng vận chuyển khách, số NKT chiểm tỷ lệ không đáng kể, nên hầu hết các tuyến đường trong hệ thống giao thông, phân hạng mục công trình dành cho NKT đều chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Hơn nữa việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông dành cho NKT chưa mang lại hiệu quả kinh tế nên nhà đầu tư ít quan tâm. Và khi có hành khách là NKT, nhà xe mới khắc phục bằng cách cho lái xe, phụ xe trực tiếp hỗ trợ cho NKT đi lại, lên xuống xe, tầu một cách chật vật. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoàng Thị Sâm, NKT ở T.X Phổ Yên chia sẻ: Dạo trước Tết Nguyên đán Canh Tý, tôi có đi xe khách về Hưng Yên thăm họ mạc. Việc lên, xuống xe đều được nhà xe giúp đỡ, nhưng nhiều ánh mắt nhìn vào, nhiều lời nói thương cảm dồn lại khiến tôi cảm thấy tự ti khi phải đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng.
Công bằng thì các doanh nghiệp luôn giúp đỡ NKT có nhu cầu đi lại liên quan đến phương tiện của cơ sở. Nhiều doanh nghiệp đã miễn thu tiền cước của NKT, nhưng họ không đầu tư lối lên xuống cũng như chỗ ngồi riêng trên phương tiện vận tải khách cho NKT, vì cho rằng cả năm chưa chắc đã có NKT sử dụng. Ở Thái Nguyên đã có cuộc “cách mạng” làm lại vỉa hè đô thị có tính đến đối tượng đi trên vỉa hè là NKT . Toàn bộ 98 tuyến đường đô thị, với tổng chiều dài 168km, vỉa hè được làm mới có độ cao hơn so với mặt đường từ 12cm trở xuống; với viên bó vỉa hè được tạo độ vát, thoải tạo cho việc lên, xuống vỉa hè của người dân thuận tiện, nhất là với những NKT hệ vận động, đều có thể dễ dàng cho xe lăn lên, xuống vỉa hè mà không cần đến sự trợ giúp của người khác.
Tuy nhiên, để NKT được rộng cửa hơn khi tham gia giao thông, thuận lợi hơn khi tiếp cận với các dịch vụ xã hội, thiết nghĩ trong hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là với các bến bãi, giá như từ khâu thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình, chất lượng công trình đều được cơ quan chức năng Nhà nước thực hiện đúng, đầy đủ các quy chuẩn quốc gia về xây dựng công trình. Chỉ có như thế, NKT mới dễ dàng tiếp cận, sử dụng thuận lợi. Cùng với đó các cơ quan chức năng cũng nên tăng cường tuyên truyền chính sách hỗ trợ NKT; tổ chức lồng ghép nội dung về cách trợ giúp NKT thông qua việc tập huấn nghiệp vụ vận tải cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; thực hiện hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và các bến xe khách; khuyến khích các doanh nghiệp vận tải khách đầu tư cải tạo phương tiện, làm lối lên xuống dành cho NKT theo đúng chuẩn quy định của Nhà nước.