Giải pháp chống ùn tắc giao thông: Vĩ mô và vi mô

09:34, 03/12/2020

T.P Thái Nguyên liên tục phát sinh các điểm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vấn đề này đã xảy ra từ vài năm nay và ngày càng gia tăng khiến người dân bức bối, cơ quan chức năng lúng túng tìm giải pháp...

Ùn tắc do đâu?

Nhắc đến tình trạng ùn tắc giao thông tại T.P Thái Nguyên, người dân nghĩ ngay đến đoạn đường Bến Oánh. Đây là trục đường lớn của phường Trưng Vương nhưng ai có việc phải qua đây vào đầu giờ buổi sáng và cuối giờ chiều sẽ vô cùng ức chế vì mất rất nhiều thời gian, nghe tiếng cãi lộn giữa người đi đường và người lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để làm nơi kinh doanh; phương tiện dừng đỗ tùy tiện dưới lòng đường khi sang chuyển hàng hóa, mặc cả mua bán.

Một số điểm giao thông khác cũng bị ùn tắc phương tiện vào giờ cao điểm như: Khu vực cổng Bệnh viện A (phường Thịnh Đán), khu vực phía trước Sở Công Thương (phường Hoàng Văn Thụ), khu vực ngã năm Quán Triều (phường Quán Triều), khu vực cầu số 5 (phường Tân Long), khu vực đường Cách mạng Tháng Tám (phường Gia Sàng)…đều do nguyên nhân người dân kém ý thức, cố tình lấn chiếm hành lang giao thông để kinh doanh, dừng đỗ phương tiện dưới lòng đường để mua bán. Về phía cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm để lập lại trật tự an toàn giao thông nhưng không liên tục, quyết liệt nên các hành vi vi phạm lại tái diễn.

Tình trạng ùn tắc xảy ra liên tục ở một số nút giao thông mới được T.P Thái Nguyên đầu tư mở rộng, nâng cấp, như: điểm giao cắt giữa đường Quang Trung với đường Việt Bắc; điểm giao cắt giữa đường đê Nông Lâm với đường Dương Tự Minh; điểm giao cắt giữa đường Bắc Sơn với đường Bắc Kạn; điểm ngã ba Mỏ Bạch; điểm giao cắt giữa đường Bắc Nam với đường Cách mạng Tháng Tám, ngã tư Tân Long…Đây là những nút giao thông đã được tỉnh, T.P Thái Nguyên huy động nguồn lực hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng, lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo giao thông. Song, do vẫn đầu tư trên thiết kế giao thông từ những thập niên trước (phần lớn điểm giao cắt là ngã ba) nên việc kết nối, thông tuyến hạn chế dẫn tới phương tiện lưu thông chậm, lộn xộn. Cùng đó là phương tiện tham gia giao thông tại T.P Thái Nguyên gia tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây do kinh tế - xã hội phát triển sôi động (ùn tắc thường vào thời điểm đi làm của công nhân các khu, cụm công nghiệp, đi học của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh).

Giải pháp trước mắt và lâu dài 

Theo các chuyên gia giao thông và hiến kế của người dân, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, T.P Thái Nguyên nên thực hiện đồng thời cả giải pháp vi mô và vĩ mô. Vì sự linh hoạt, đánh giá đúng bản chất, có tính dự báo về thực trạng, nguy cơ ùn tắc giao thông mới không bị lúng túng. Về giải pháp vĩ mô, T.P Thái Nguyên nên tiếp tục đầu tư các tuyến đường vành đai tránh khu vực trung tâm nhưng có kết nối với mạng lưới giao thông hiện tại; đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2, cầu Bến Oánh, cầu Xuân Hòa qua sông Cầu kết nối với Quốc lộ 17 và các tuyến giao hiện có để giảm mật độ phượng tiện qua cầu Gia Bẩy, cầu Bến Tượng. Đồng thời, T.P Thái Nguyên nên nhanh chóng hoàn thiện đường Việt Bắc kéo dài tới đường Phố Hương và đường Ga Quán Triều để tạo “trục dọc” thứ 3 nhằm giảm mật độ phương tiện cho đường Lương Ngọc Quyến, đường Cách mạng Tháng Tám. Các ứng dụng giao thông thông minh, bản tin giao thông nên sớm được ứng dụng rộng rãi, thường xuyên để cung cấp về tình hình giao thông trong ngày cho người dân biết, lựa chọn hướng tuyến, phương tiện khi tham gia thông.

Về các giải pháp tạm thời, đối với các nút giao thông là ngã ba giao cắt không có khẳ năng mở rộng do đền bù quá lớn, T.P Thái Nguyên nên khuyến cáo ngưòi dân đi các tuyến tránh vào giờ cao điểm, điều chỉnh lệch giờ đi làm của học sinh, công nhân so với giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Cùng đó là cơ quan chức năng xử lý quyết liệt hơn đối với các trường hợp vi phạm hành lang giao thông (cả người bán hàng và người mua hàng) thông qua tuần tra kiểm soát, xử phạt “nguội” qua hình ảnh camera. Những nút giao thông phổ biến, kéo dài tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông để kinh doanh nên lập lại trật tự, bàn giao cho chính quyền cơ sở để từ đó quy trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường, xã. Đối với các nút giao thông xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm mà không có khả năng mở rộng, không đủ điều kiện lắp đặt cụm đèn tín hiệu điều khiển tự động, T.P Thái Nguyên nên giao trách nhiệm cụ thể cho lực lượng Công an bố trí cán bộ trực tiếp điều tiết phương tiện từ 6h30' đến 7h30' và từ 17h30' đến 18h30' hàng ngày…

Ùn tắc giao thông là việc khó có thể giải quyết tức thì nhưng nếu cơ quan chức năng vào cuộc trách nhiệm, người dân mạnh dạn lên án, tố giác các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông thì vấn đề này sẽ dần dần được giải quyết.