Khoảng 10 năm trở lại đây, đi cùng với tốc độ đô thị hóa ở T.P Thái Nguyên là tình trạng ùn tắc giao thông đang có xu hướng gia tăng do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan của người tham gia giao thông. Câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” đến nay vẫn đang làm “đau đầu” các cấp, ngành chức năng trong tỉnh.
Hiện, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có đến gần hai mươi điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, tập trung chủ yếu ở các tuyến đường nội thị (giao cắt nhau); đường bộ và đường sắt cùng mức, có lưu lượng người tham gia giao thông lớn; tại cổng một số trường học nằm gần trục đường chính vào giờ đưa, đón học sinh. Tình trạng này không chỉ làm mất mĩ quan đô thị mà còn mất an toàn giao thông…
Đường gần mà “hóa” thành xa
Có lẽ, nút giao có tiếng “hung thần” ở T.P Thái Nguyên phải kể đến là khu vực cầu Gia Bẩy (giao nhau giữa điểm đầu đường Bắc Sơn với đường Bắc Kạn). Tại khu vực này, vào giờ cao điểm, khi không có lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết, phân luồng, tình trạng ùn tắc có lẽ sẽ kéo dài cả vài giờ đồng hồ. Ông Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Tuần trước, lực lượng cảnh sát giao thông đã phải giải quyết một vụ va chạm giữa hai xe ô tô tại đây. Đáng nói, với lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông lớn (lên đến 7.000 đến 8.000 lượt phương tiện/ngày), tình trạng xảy ra va chạm, tai nạn giao thông ở khu vực này khá phổ biến.
Tại nút giao Quang Trung - Việt Bắc, tình trạng tắc đường cũng xảy ra thường xuyên. Chiều 9-10, vào giờ cao điểm, do tắc đường, cả đoàn xe ô tô, mô tô kéo dài từ ngã tư Đồng Quang đến nút giao này gần như “bất động”. Chị Ma Thị Hường, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho hay: Hôm ấy, tôi đã mất gần 40 phút để vượt qua đoạn đường này. Việc ách tắc giao thông đã khiến cho con đường về nhà gần mà hóa xa.
Tại nút giao đê Nông Lâm - Dương Tự Minh, tình trạng tắc đường cũng xảy ra như “cơm bữa”. Anh Nguyễn Văn Mạnh, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) nói: Chiều nào ở khu vực này cũng xảy ra tắc đường. Mỗi khi đi làm về vào giờ cao điểm, tôi cảm thấy rất ức chế. Có những hôm đi đoạn đường chưa đầy 3km mà mất cả giờ đồng hồ mới “bò” được về đến nhà. Đặc biệt, tại ngã 6 đường Quan Triều (T.P Thái Nguyên), trong khi lượng người, phương tiện tham gia giao thông đông thì tại đây thường xảy ra tình trạng một số xe ô tô dừng, đỗ hai bên đường làm thu hẹp lòng đường, cản trở giao thông. Tương tự, tình trạng ùn ứ giao thông cũng xảy ra thường xuyên tại khu vực đường tròn Tân Long (T.P Thái Nguyên) vào giờ cao điểm; tại các trường học nằm giáp đường giao thông như Tiểu học Đội Cấn, THCS Sơn Cẩm… vào giờ đưa, đón học sinh.
Các tuyến đường nội thị tại T.P Thái Nguyên thường bị quá tải vào giờ cao điểm.
Theo nhận định của ông Lê Quang Tùng, chủ Gara sửa chữa ô tô Quang Tùng trên đường Bắc Kạn: Tắc đường không chỉ làm mất thời gian vật chất mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của người tham gia giao thông. Tắc đường kéo dài sẽ gây ức chế cho người tham gia giao thông, dế dẫn đến các vụ ẩu đả, cải vã khi va chạm giao thông. Đặc biệt, xe ô tô, mô tô phải chạy với tốc độ “rùa” làm ảnh hưởng đến độ bền của động cơ, tiêu tốn xăng, dầu và gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Vì đâu nên nỗi
Theo đánh giá của các chuyên gia, so với các thành phố lớn như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, chuyện tắc đường ở Thái Nguyên chưa nghiêm trọng. Tuy nhiên, so với vùng trung tâm của các tỉnh trong khu vực trung du miền núi phía Bắc như: Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang… thì T.P Thái Nguyên đang dẫn đầu về tình trạng tắc đường, tập trung vào giờ cao điểm như giờ đi làm, tan tầm; đưa, đón trẻ đi học. Ông Tân Hoàng Long, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông (ATGT) tỉnh cho rằng, xảy ra tình trạng tắc đường nguyên nhân lớn nhất vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông.
Nhận định của ông Long là hoàn toàn có sơ sở khi chúng tôi mục sở thị khung cảnh ùn ứ giao thông ở khu vực giao cắt giữa đường Quang Trung và đường Việt Bắc. Chị Trần Thanh Tâm, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Đường hẹp, chỉ có hai làn, nhưng nhiều người vẫn điều khiến xe ô tô theo kiểu “điền vào chỗ trống”. Nếu họ đi đúng làn, nhường nhịn nhau, không chen lấn thì dù có di chuyển chậm hơn một chút, cuối cùng vẫn thoát ra khu vực này một cách dễ dàng hơn.
Tình trạng tắc đường còn xảy ra khá nghiêm trọng khi trên địa bàn T.P Thái Nguyên xuất hiện những trận mưa to kéo dài làm khuất tầm nhìn dẫn đến các vụ va chạm giao thông. Đặc biệt, khi trời mưa to, hệ thống thoát nước trên địa bàn T.P Thái Nguyên tiêu úng chậm, nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước, ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân. Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều điểm thường xuyên xảy ra ngập úng mỗi khi trời mưa to ở T.P Thái Nguyên dẫn đến tình trạng ngập úng phải kể đến là tuyến đường Hoàng Văn Thụ (đoạn cắt với đường Minh Cầu); đường Lương Ngọc Quyến (khu vực cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên)…
Những năm trở lại đây, hạ tầng giao thông ở T.P Thái Nguyên đã được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường như Bắc Kạn, Dương Tự Minh, Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Bến Oánh… đã được gia cố mặt đường, nhiều chỗ mở rộng thêm từ 2 đến 3m. Ngoài ra, tuyến đường Bắc Sơn (đoạn nối với cầu Gia bẩy - điểm nóng về tắc đường) mới được đầu tư xây dựng vài năm nay đang có hai làn khá rộng (mỗi làn rộng khoảng 7m). Tuy nhiên, sự nâng cấp này chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng các loại phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh. Đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã cấp giấy đăng ký cho trên 90 nghìn xe ô tô. Trung bình bình mỗi năm, Thái Nguyên có khoảng 6.500 xe ô tô các loại và trên 35.000 xe mô tô đăng ký mới. Ông Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông cho biết thêm: Tôi chỉ xin đưa ra một ví dụ là với tuyến đường giao thông rộng khoảng 7m như ở khu vực đường Bắc Sơn gần cầu Gia Bảy, theo quy định chỉ đáp ứng được khoảng 2.000 đến 3.000 lượt xe đi lại/ngày. Nhưng, hiện nay, lượt phương tiện qua đây đã tăng lên 7.000 đến 8.000 lượt xe/ngày.
Đặc biệt, tình trạng vi phạm (lấn chiếm) hành lang vỉa hè, lòng đường cũng là nguyên nhân dẫn đến ách tắc giao thông trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến trên trục đường Bến Oánh (khu vực từ chợ Thái đến đoạn cầu treo Bến Oánh); khu vực đường tròn Tân Long … Chị Lê Thanh Hương, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cho hay: Đoạn đường Bến Oánh thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào buổi chiều, khi các tiểu thương bày bán hàng hóa la liệt ngay bên lề đường và lượng người đến đây mua thực phẩm đông, nhiều trường hợp đỗ xe ngay dưới lòng đường để mua hàng.
Câu chuyện tắc đường ở Thái Nguyên hiện nay chưa phải là quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trước sức ép của gia tăng dân số, cộng với hạ tầng giao thông đang xuống cấp, tình trạng này được dự báo sẽ trở nên “nóng” thật sự trong 10 năm tới. Bởi vậy, làm thế nào để giải quyết tắc đường là một bài toán khó, cần các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đưa ra những lời giải phù hợp…
(Còn nữa)