Sau gần 2 năm thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tăng mức xử phạt tối đa và thời hạn tước giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi đáng kể. Phần lớn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều nằm lòng khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.
Là giám đốc một doanh nghiệp nên anh Trần Hải Long (phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) thường xuyên phải tiếp khách, uống rượu. Trước kia, có nhiều lần “quá chén”, dù đã say nhưng anh Long vẫn cố gắng lái xe về nhà. Nhưng đó là câu chuyện của hơn 2 năm trước vì hiện nay, anh đã thay đổi thói quen xấu này.
Anh Long chia sẻ: 2 năm nay, mức xử phạt đối với lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn đã tăng rất nhiều, nhẹ nhất cũng là 7 triệu đồng, chưa kể bị tước giấy phép lái xe, giữ xe… Thêm vào đó, qua những lần lái xe trong trạng thái “bênh bênh”, tôi thật sự hiểu được mối nguy hiểm khi tham gia giao thông sau khi không còn tỉnh táo do uống rượu, bia. Vì vậy, mỗi khi phải giao lưu, tiếp khách, tôi thường đi taxi hoặc thuê người lái hộ, chứ tuyệt đối không tự điều khiển xe.
Còn anh Lê Huy Hoàng, chủ một nhà hàng ăn uống trên đường Bắc Sơn cho biết: Từ khi Nghị định số 100 có hiệu lực, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng không lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi thường gọi xe taxi hoặc người lái xe thuê cho khách.
Để ngăn chặn tình trạng “ma men” tham gia giao thông, thời gian qua, lực lượng chức năng đã thực thi đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp từ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn. Các cơ quan thông tấn báo chí cũng tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Giao thông và Nghị định số 100, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tham gia giao thông của người dân khi tham gia giao thông.
Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) thông tin: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 132 vụ tai nạn giao thông, làm chết 44 người, bị thương 112 người, giảm ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 16 vụ, 7 người chết và 27 người bị thương). Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý gần 30 nghìn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 28 tỷ đồng. Trong đó, có 1.430 trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã bị xử lý.
Số liệu thống kê trên chính là lời khẳng định cho hiệu quả từ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tỉnh Thái Nguyên và các lực lượng chức năng trong triển khai và thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân trong chấp hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu và Nghị định số 100 của Chính phủ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn chưa hoàn toàn được đẩy lùi. “Khi tổ công tác thực hiện nhiệm vụ, nhiều trường hợp cố tình thông báo địa điểm lập chốt, né chốt công khai trên trên mạng xã hội. Một số trường hợp cố ý chống đối, quay đầu bỏ chạy khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn hoặc thậm chí khóa cửa xe, bỏ đi nơi khác, không chấp hành việc kiểm tra.” Thượng úy Dương Phong Quỳnh, Đội Cảnh sát Giao thông (Công an huyện Đồng Hỷ) cho hay.
Cũng bởi tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn còn tồn tại nên đã có những bài học, câu chuyện đau lòng xảy đến. Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn H. trú tại xóm Hoàng Gia, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ).
Hơn 3 tháng qua, chưa khi nào anh H. nguôi nỗi ân hận vì đã uống rượu mà vẫn lái xe khiến chính con gái mình trở thành nạn nhân của tai nạn giao thông. Anh H. kể lại: Tối 18-8, sau khi ăn nhậu cùng bạn bè, tôi chở con gái đi ship hàng. Khi đến góc cua, do trời tối, lại thêm hơi rượu trong người, không làm chủ được tay lái nên chiếc xe của bố con tôi đã đâm va với một xe máy đi ngược chiều. Tai nạn đã khiến con gái mới 2 tuổi của tôi phải cắt bỏ toàn bộ lá lách, tổn hại 50% sức khỏe suốt đời. Còn tôi bị rạn xương đầu, sức khỏe suy giảm.
Bà Nguyễn Thị Thanh, mẹ anh H. ngậm ngùi: Sau tai nạn, không chỉ sức khỏe, tinh thần của 2 bố con bị suy giảm mà kinh tế gia đình cũng thêm gánh nặng. Nhiều ngày qua, tôi phải chạy vạy vay lãi để chi trả viện phí cho con, cháu và đền bù thiệt hại cho người bị H. đâm phải.
Mỗi năm, tai nạn giao thông vẫn cướp đi hàng nghìn sinh mạng, khiến nhiều người bị thương tật suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho các gia đình, người thân và cộng đồng. Hơn bao giờ hết, ngay từ lúc này, mỗi người hãy hành động vì sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng, hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông.