Chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội

16:14, 27/01/2022

Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông ở khu vực phía Nam tỉnh đã và đang được triển khai đầu tư khá đồng bộ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong giai đoạn 2021-2026, hạ tầng giao thông ở khu vực này tiếp tục được chú trọng đầu tư, với những tuyến đường mang tính kết nối, liên kết vùng cao, không chỉ tạo “đòn bẩy” thu hút vốn FDI cho những địa phương ở khu vực này mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.

Phát huy những lợi thế

Cả 3 địa phương nằm ở khu vực phía Nam của tỉnh, gồm: T.X Phổ Yên, T.P Sông Công và huyện Phú Bình đều có vị trí địa lý khá thuận lợi. Bởi nơi đây không chỉ có địa hình tương đối bằng phẳng mà còn có các tuyến đường huyết mạch chạy qua, như: Quốc lộ 3 và Quốc lộ 3 mới chạy qua T.X Phổ Yên và T.P Sông Công, Quốc lộ 37 đi qua huyện Phú Bình. Đồng thời, những địa phương này rất gần với các tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển năng động, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang…  

Khi tuyến Quốc lộ 3 được đầu tư mở rộng và Quốc lộ 3 mới được xây dựng đã rút ngắn khoảng cách từ Thái Nguyên đi Hà Nội, chỉ còn gần 40km và việc kết nối với cảng Hải Phòng rất thuận lợi. Đây chính là yếu tố quan trọng để Tập đoàn Samsung lựa chọn đầu tư vào Khu Công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên). Từ đó, thu hút được hàng trăm doanh nghiệp phụ trợ của Samsung đầu tư vào tỉnh. Đây được coi là những bước ngoặt, đánh dấu sự phát triển nhanh, mạnh trong lĩnh vực công nghiệp của Thái Nguyên. 

Tiếp tục hoàn thiện

Không chỉ dừng lại ở những tuyến đường sẵn có, hạ tầng giao thông phía Nam tỉnh đã và đang được quy hoạch, đầu tư theo hướng kết nối, liên kết hoàn chỉnh. Trước đây, hạ tầng giao thông Thái Nguyên chủ yếu theo trục dọc, nhưng hiện nay đã và  đang được triển khai đồng bộ cả trục dọc, trục ngang (các tuyến đường giao cắt với Quốc lộ 3, Quốc lộ 3 mới và Quốc lộ 37).

Cụ thể, giữa năm 2017, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn nút giao Yên Bình đi huyện Phú Bình), với nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Hiện tại, cơ quan chức năng và các địa phương nơi có tuyến đường đi qua đang gấp rút triển khai giai đoạn 2 để kết nối Thái Nguyên với 2 tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Tuyến đường này sẽ liên kết Khu Công nghiệp Yên Bình; Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình và Khu Công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình (sắp được triển khai).

Đặc biệt, Dự án đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang và Vĩnh Phúc được xác định là "tuyến đường động lực” để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam tỉnh; kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, nối sang ATK Định Hóa, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng khu vực sườn Đông Tam Đảo. 

Bên cạnh đó, Dự án mở rộng đường gom từ nút giao Yên Bình đến Khu công nghiệp Yên Bình; đường kết nối Quốc lộ 37, vành đai V Phú Bình đi T.P Thái Nguyên (Xuân Phương - cầu Mây); giai đoạn II đường nối Quốc lộ 3 mới đến Khu công nghiệp Yên Bình cũng đang được triển khai. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện cải tạo, nâng cấp ĐT.266 đoạn ngã tư Sông Công - đường tròn Điềm Thụy, với tổng nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Trong thời gian tới, với nhiệm vụ mang tính chiến lược là: Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội. Do vậy, từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, ngành Giao thông - Vận tải sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng trục ngang và các dự án giao thông mang tính liên kết vùng cao, nhằm thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI, thúc đẩy phát triển công nghiệp hơn nữa của tỉnh.

Lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm tra trọng tải xe tại ĐT.269B (Phú Bình)

Xây dựng gắn với bảo vệ

Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là ở khu vực phía Nam, thời gian qua, lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) và Cảnh sát Giao thông cũng tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng xe vi phạm trọng tải trên các tuyến đường được giao quản lý.

Ông Ngô Thanh Tùng, Phó Chánh thanh tra Giao thông, nói: Khu vực phía Nam đang phát triển “nóng”, số lượng xe chuyên chở vật liệu xây dựng rất lớn nên lực lượng Thanh tra Giao thông phải thường xuyên tuần tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền đến các doanh nghiệp vận tải thực hiện cam kết, chở đúng trọng tải theo quy định. Qua đó, ở những địa phương này đã cơ bản không còn “điểm nóng” về xe quá tải.