Gần 22 giờ, từ bỏ “sức hút” của chăn ấm đệm êm, tôi có hẹn cùng các trinh sát giao thông lên đường đi tuần tra đêm. Không phải lần đầu tiên ngồi sau xe trinh sát đi tuần tra, song tôi vẫn có ít nhiều sự hồi hộp, lo lắng.
Tiết trời Thái Nguyên những ngày cuối năm càng về đêm càng lạnh, do có kinh nghiệm từ lần trước, tôi đã thủ sẵn một đôi găng tay, áo phao dày dặn, trang bị giày tất đầy đủ, đeo ba lô đựng máy ảnh, điện thoại và một cuốn sổ nhỏ để có thể ghi chép nhanh. Thượng úy Hoàng Minh Tâm, Tổ trưởng tổ trinh sát hôm ấy hỏi lại lần nữa: Chị muốn ngồi trên xe ô tô của Cảnh sát giao thông đi tuần hay xe máy? Đương nhiên là tôi chọn ngồi sau xe trinh sát, vừa để tường tận chứng kiến sự việc, lại thêm phần thấu hiểu công việc vất vả của các anh.
Đi một vòng quanh các cung đường Hoàng Văn Thụ, Đội Cấn, Bắc Kạn, Lương Ngọc Quyến, chúng tôi thấy đường khá vắng vẻ. Khoảng 22 giờ 15 phút, bắt đầu xuất hiện ba chiếc xe máy do một nhóm thanh niên không đội mũ bảo hiểm lượn qua “tạt đầu” trước xe ô tô của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đi tuần trên đường Hoàng Văn Thụ. Thượng úy Hoàng Minh Tâm nói nhanh: Bọn nhóc cố tình trêu lực lượng CSGT làm nhiệm vụ đó. Nói rồi, anh nhanh chóng điện đàm thông báo cho trinh sát ở các tuyến đường. “Alo, alo, đối tượng đi về phía siêu thị Go! Anh em triển khai lực lượng tập trung tại vị trí này”.
Vậy là các nhóm trinh sát chia điểm chặn các cung đường để có thể “khóa chặt” nhóm đối tượng. Khi chúng tôi tới gần siêu thị Go!, một nhóm thanh niên đang xúm lại ở ven đường, nguyên nhân là do có một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra ở đây. Lúc này, tại hiện trường, một thanh niên không đội mũ bảo hiểm nằm lăn lộn dưới đất, khuôn mặt đầy máu lẫn với bụi đường lấm lem. Hỏi qua mấy người chứng kiến, chúng tôi được biết, thanh niên này phóng quá nhanh, không làm chủ được tốc độ nên đã tự ngã, người và xe văng ra đường. Thượng úy Tâm rút bộ đàm thông báo cho lực lượng tập trung, gọi xe đưa người đi cấp cứu. Lúc này, tôi cố gắng đến gần hiện trường và nhận ra thanh niên nằm dưới đường chính là một trong ba “quái xế” đi xe máy không gương, không mũ, “đánh võng” trêu lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ ban nãy. Người thanh niên này lấm lem bụi đất và máu, hơi thở nồng nặc mùi rượu.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm do người điều khiển xe uống rượu, phóng quá nhanh, không làm chủ được tốc độ.
Vừa di chuyển được nạn nhân lên xe đi cấp cứu, chúng tôi thấy cạnh đó còn có một thanh niên khác. Hỏi chuyện một hồi mới biết, nhóm "choai choai" gồm 3 người ở huyện Phú Lương và Phú Bình, cùng rủ nhau tìm "cảm giác mạnh" trên các cung đường để quay video “ra oai” với bạn bè. May mắn là thanh niên này chỉ bị chấn thương phần mềm, không nguy hiểm đến tính mạng.
Đúng lúc đó, Tổ trinh sát tiếp tục nhận được thông tin và lên đường xử lý một vụ tai nạn giao thông khác xảy ra trên đường Việt Bắc. Lợi dụng lúc lực lượng CSGT xử lý vụ tai nạn này, bạn của nam thanh niên bị tai nạn nói trên đã gọi người đến lấy xe máy của nạn nhân và nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Khi quay lại hiện trường, các thành viên Tổ trinh sát giải thích: Tình trạng này không hiếm đâu. Khi CSGT ra hiệu lệnh, nhiều thanh niên rú ga bỏ chạy với tốc độ cao, vài trường hợp còn có lời lẽ xúc phạm và chống trả lại CSGT.
Sau khoảng 1 tiếng tuần tra, tôi nhẩm đếm có tổng cộng 12 xe máy bị tạm giữ, các đối tượng vi phạm đa phần là thanh thiếu niên sinh từ năm 2004-2007. Thiếu tá Đào Đình Huệ, Phó Đội trưởng Đội CSGT - trật tự, Công an T.P Thái Nguyên trải lòng: Thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp cuối năm và các ngày lễ Tết, ngoài làm nhiệm vụ ban ngày, lực lượng CSGT còn xây dựng kế hoạch tuần tra đêm 4-5 buổi/tuần (thời gian từ 20 giờ - 1 giờ sáng). Đêm xuống đường vắng, lái xe cũng thường có tâm lý chạy nhanh hơn, dễ vi phạm tốc độ. Buổi đêm cũng hạn chế về tầm nhìn và việc quan sát của lái xe. Nhưng quan trọng là điều khiển xe vào ban đêm, cơ thể con người bị thay đổi nhịp sinh học dễ dẫn tới mệt mỏi cộng với tâm lý chủ quan là những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến TNGT. Đêm cũng là thời điểm nhiều đối tượng thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập, rú ga, nẹt pô, lạng lách, đánh võng, phóng xe với tốc độ nhanh gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.
Được biết, năm 2021, từ công tác tuần tra, kiểm soát, Công an thành phố đã phát hiện 48 trường hợp lạng lách, đánh võng (chủ yếu vào thời điểm ban đêm). Còn từ khi thực hiện cao điểm (15/12/2021 đến nay), qua tuần tra, kiểm soát, Đội CSGT - trật tự, Công an thành phố đã lập biên bản xử lý 312 trường hợp, tạm giữ 28 xe mô tô, 284 bộ giấy tờ. Các vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm (72 trường hợp), lạng lách, “bốc đầu” (8 trường hợp), không giấy phép lái xe (25 trường hợp), chuyển hướng không có tín hiệu rẽ (82 trường hợp) và 30 trường hợp đi không đúng phần đường, làn đường…
Số lượng người vi phạm qua các buổi tuần tra, kiểm soát đêm lực lượng chức năng phát hiện, xử lý chủ yếu là thanh thiếu niên
Ở khu vực xử lý vi phạm, cách 10-15 phút, các trinh sát và lực lượng cơ động lại dẫn về một vài trường hợp vi phạm. Sau đó, các cán bộ nhanh chóng ghi số khung, số máy, biển kiểm soát, họ tên chủ xe, lỗi vi phạm trên yên xe rồi dắt xe vào trong sân tạm giữ. Qua lớp khẩu trang, tôi vẫn nhận ra những khuôn mặt của người vi phạm “búng ra sữa”. Người thì tóc nhuộm đỏ, ăn mặc ngổ ngáo, đều có điểm chung là không đội mũ bảo hiểm hoặc xe không biển kiểm soát, không gương, không giấy phép lái xe, lạng lách, chở ba người, có nồng độ cồn, không đủ tuổi điều khiển phương tiện.
23 giờ 10 phút, khu vực xử lý vi phạm của Đội CSGT - trật tự, Công an T.P Thái Nguyên vẫn khá đông người ra - vào. Ngoài điền thông tin vi phạm, các cán bộ của đội còn hướng dẫn những người đến làm việc khai báo y tế và thực hiện các bước đảm bảo phòng, chống dịch.
23 giờ 30 phút, ngoài đường gió hun hút và còn có cả mưa phùn, nhưng trong phòng xử lý vi phạm, ba “bóng hồng” của đội vẫn làm việc không dừng: Hỏi thông tin, hướng dẫn, ghi biên bản vi phạm… Tôi quay sang hỏi chị Ngô Thị Mỹ Dung, cán bộ của Đội: Chị ơi, hay phải làm đêm thế này, chồng con phải thông cảm lắm chị nhỉ. Chị Dung cười nói: Các chị em ở Đội, có chị chồng là người cùng ngành, có chị không song cùng có điểm chung là rất thông cảm với công việc của vợ nên chuyện các chị đi làm nhiệm vụ đêm muộn hay các ngày lễ Tết cũng thành quen.
Còn Thượng úy Hoàng Minh Tâm nói tự nhiên: “15 năm kể từ khi vào ngành, chưa lễ Tết nào tôi được ở nhà cùng vợ con. Đã là công việc mình lựa chọn rồi nên cũng thành quen”. “Thế này chắc vợ cũng giận lắm”. Tôi trêu: “Giận gì đâu chị, tất nhiên, vợ con nào chả mong gia đình cùng sum họp dịp lễ Tết, nhưng lấy chồng làm CSGT rồi thì phải chấp nhận, thông cảm thôi”. Tâm cười.
Mỗi lần tham gia trải nghiệm tuần tra đêm cùng những những chiến sĩ áo vàng, tôi càng thấy trân trọng hơn những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các anh, chị. Chợt nhớ tới lời các cán bộ, chiến sĩ của Đội chia sẻ: Công việc vất vả, áp lực, làm đêm khuya hay lễ Tết vất vả là chuyện đã trở thành cơm bữa đối với anh chị em trong Đội CSGT - trật tự. Cũng may mọi người đều có “hậu phương” vững chãi nên yên tâm hoàn thành tốt công việc được giao.
Và cũng mong rằng, mỗi người dân luôn chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, tham gia giao thông với ý thức bảo vệ tính mạng của mình trước tiên chứ không phải để đối phó với lực lượng chức năng. Bởi trở về nhà bình an là điều bất cứ ai cũng mong muốn…