Xây rãnh dọc thoát nước đường giao thông: Lợi ích nhiều mặt

09:58, 07/01/2022

Những năm gần đây, cùng với việc thực hiện cải tạo, sửa chữa mặt đường giao thông thì hạng mục xây dựng hệ thống rãnh dọc thoát nước cũng được Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) quan tâm đầu tư.  Việc này không chỉ giúp bảo vệ tốt kết cấu đường, mở rộng lòng đường mà còn giúp đảm bảo vệ sinh môi trường ở những khu vực này.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 300km quốc lộ (trong đó có 168km được Bộ GTVT ủy thác cho tỉnh quản lý) và gần 370km đường tỉnh. Đến năm 2015, việc xây dựng rãnh dọc thoát nước chỉ được thực hiện ở khu vực nội thị, trung tâm thị trấn, nơi có các tuyến quốc lộ đi qua, còn lại hầu hết chưa được đầu tư.

Không có rãnh dọc thoát nước mặt đường, cùng với lượng phương tiện giao thông ngày càng lớn là một trong những nguyên nhân khiến đường nhanh xuống cấp.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, từ nguồn vốn duy tu, sửa chữa thường xuyên được phân bổ, Sở GTVT đã chủ động đưa hạng mục xây dựng rãnh dọc thoát nước 2 bên đường vào dự án để thực hiện… Những đoạn đường được xây rãnh thoát nước đã cho thấy nhiều lợi ích thiết thực.

Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường (Võ Nhai) cho biết: Trước đây, tuyến ĐT.271 chạy qua xóm Tân Sơn (xóm trung tâm xã) chưa được xây rãnh thoát nước nên mặt đường nhỏ hẹp, mỗi khi có ô tô chạy qua bụi cuốn bay mù mịt. Cuối năm 2020, Sở GTVT xây dựng rãnh thoát nước và thảm nhựa mặt đường rộng thêm gần 3m nên không còn cảnh chật trội, bụi bẩn như trước…

Cũng giống như ĐT.271, tuyến ĐT.262 (đoạn từ T.P Sông Công đi xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên) vừa được Sở GTVT đầu tư xây dựng rãnh dọc thoát nước đoạn từ ngã 3 Thịnh Đức đến Trạm bê tông 168 với chiều dài gần 3km nên mặt đường rộng hơn đáng kể so với trước.

Ông Trần Thanh Quý, nhà ở xóm Nhân Hòa, xã Thịnh Đức cho biết: Trước đây, mặt đường ĐT.262 chỉ rộng khoảng 5m, còn lại 2 bên là lề đường đất. Do lượng phương tiện đi qua đây rất lớn nên nhiều đoạn lề đất lún sâu so với mặt đường nhựa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đầu năm 2021, khi được xây dựng rãnh thoát nước thì mặt đường đã rộng hơn rất nhiều, ngày mưa nước thoát nhanh hơn, giảm tình trạng ngập úng.

Dự án Cải tạo, nâng cấp ĐT.261 đoạn qua xã Bình Thuận (Đại Từ) được xây rãnh dọc thoát nước, giúp mặt đường rộng và sạch, đẹp hơn.

Ông Vũ Hồng Quang, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng, Sở GTVT cho biết: Việc xây dựng rãnh dọc thoát nước đem lại nhiều lợi ích thiết thực, như: Mở rộng mặt đường, bảo vệ mặt đường tốt hơn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Vì vậy, trên cơ sở cân đối nguồn vốn duy tu, sửa chữa hằng năm được phân bổ, Sở GTVT thực hiện sửa chữa đường xuống cấp trong đó có một số dự án thêm cả hạng mục xây dựng rãnh dọc thoát nước. Năm 2021, Sở triển khai hơn chục dự án cải tạo, sửa chữa đường giao thông, trong đó có 5 dự án kết hợp sửa chữa mặt đường và xây dựng rãnh dọc thoát nước. Bên cạnh đó, một số dự án do Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư cũng thực hiện hạng mục xây dựng rãnh dọc thoát nước, như: ĐT.273, ĐT.261, ĐT.266…

Theo lãnh đạo Sở GTVT, mỗi năm Sở được phân bổ từ 130-150 tỷ đồng để thực hiện duy tu, sửa chữa thường xuyên các tuyến Quốc lộ được ủy thác quản lý và các tuyến đường tỉnh. Nguồn vốn trên chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Vì vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo giao thông thông suốt, Sở GTVT căn cứ vào tình hình thực tế để tiến hành lập dự án đầu tư, ưu tiên sửa chữa những đoạn đường xuống cấp, hư hỏng nặng hơn.

Việc xây dựng rãnh dọc thoát nước đã đem lại nhiều lợi ích, nhưng cần có nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, Sở GTVT ưu tiên thực hiện ở những khu vực tập trung đông dân cư.