Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, một số người có tâm lý mặc định là “xe lớn phải đền cho xe nhỏ” bất chấp nguyên nhân xảy ra tai nạn. Thực trạng này cũng phát sinh nhiều hệ lụy “khó đỡ” trong quá trình giải quyết hậu quả...
Đi đúng luật vẫn mất tiền “đền”
Đầu tháng 3-2022, anh N.V.Th (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) điều khiển ô tô trên QL22 (đoạn qua địa bàn H.Trảng Bàng, Tây Ninh). Khi xe của anh Th. đang đi đúng tốc độ, làn đường quy định thì bất ngờ bị một người đàn ông điều khiển xe máy tông từ phía sau. Va chạm mạnh khiến người điều khiển xe máy trong tình trạng nồng nặc mùi bia ngã ra đường bất tỉnh, ô tô bị hư hỏng nặng phần đuôi. Sau tai nạn, anh Th. dừng xe và đưa người điều khiển xe máy đi cấp cứu, và liên lạc gia đình người này để đến hỗ trợ.
Tại bệnh viện, người điều khiển xe máy được xác định gãy chân phải, chấn thương phần mềm. Gia đình người điều khiển xe máy giữ anh Th. lại và yêu cầu bồi thường, nếu không sẽ gọi CSGT đến giải quyết. Anh Th. cho người xem ảnh hiện trường tai nạn và giải thích người điều khiển xe máy chạy vào làn ô tô, say xỉn tự tông vào đuôi ô tô dẫn đến chấn thương. Người làm chứng vụ việc cũng đã giải thích rõ, nhưng phía gia đình người điều khiển xe máy vẫn “bắt đền” đủ 50 triệu đồng, nếu không “đền” sẽ làm lớn chuyện.
Sau một lúc trao đổi qua lại, anh Th. đành chấp nhận hỗ trợ gia đình người điều khiển xe máy 20 triệu đồng, ô tô thì anh Th. tự sửa chữa. Theo anh Th., việc dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu là đúng luật, và nhất là thể hiện tình cảm con người.
“Tôi khẳng định không sai luật khi lái xe, nhưng vì không muốn rắc rối khi CSGT ra làm hiện trường, giữ xe thời gian dài ảnh hưởng việc đi lại nên tôi chấp nhận giá hỗ trợ 20 triệu đồng” - anh Th. cho biết.
Tương tự, tài xế xe tải Lê Văn Cường (quê Phú Yên) cũng ngậm ngùi mất 10 triệu đồng cho gia đình nạn nhân đi xe máy sau va chạm giao thông. Theo anh Cường, đầu năm 2021, trong lúc lái xe tải trên QL1 chở hàng từ TP.HCM về Phú Yên qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), thì va chạm xe máy cố tình chạy trong làn ô tô. Sau tai nạn, người điều khiển xe máy bị thương nhẹ, xe máy hư hỏng.
Sau vụ việc, phía người nhà người điều khiển xe máy kéo ra bao vây xe tải, yêu cầu bồi thường mới cho đi, nếu không sẽ báo công an. Mặc dù nhiều người làm chứng, xe máy đi trong làn ô tô là sai luật nhưng người nhà thanh niên này vẫn bắt phải “đền”. Để muốn yên chuyện làm ăn, anh Cường đã phải chuyển 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình người đi xe máy. “Mình hỗ trợ tiền người điều khiển xe máy không phải vì mình sai, mà để giải quyết cho nhanh và còn đi làm” - anh Cường nói.
“Ăn vạ” sau tai nạn
Ông D. (Giám đốc Công ty vận tải A.Q, quận 7, TP.HCM) cho biết tình trạng xe nhỏ “ăn vạ” đòi tiền hỗ trợ giá trên trời sau tai nạn là diễn ra thường xuyên. Theo ông D., lo ngại lớn nhất của các công ty vận tải chính là tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường. Khi xảy ra tai nạn, CSGT ra hiện trường, chưa biết đúng sai như thế nào, sẽ tạm giữ cả hai phương tiện để điều tra. Thời gian điều tra có thể kéo dài từ 7 ngày cho đến nhiều tháng. Việc phương tiện bị tạm giữ, gây ảnh hưởng rất lớn trong việc kinh doanh của công ty, vì hợp đồng vận tải đã ký sẽ bồi thường nếu bị chậm tiến độ.
Chính vì thế, đối với những TNGT nghiêm trọng, chết người thì các công ty vận tải phải chấp nhận theo đúng quy trình điều tra, kết luận từ công an.
Riêng các vụ việc va chạm, tai nạn nhỏ thì các công ty vận tải chủ trương thương lượng với chủ phương tiện va chạm để giải quyết nhanh gọn. Tâm lý tài xế cũng rất e ngại sau tai nạn bị CSGT giam bằng lái, ảnh hưởng công việc kiếm sống. “Chính vì điều đó mà trong các vụ tai nạn, va chạm nhỏ giữa xe tải và các phương tiện nhỏ hơn: xe đạp, xe máy, ô tô thì chủ phương tiện lớn hơn thường bị xe nhỏ “ăn vạ” trong thỏa thuận” - ông D. nói.
“Nỗi niềm” có thật
Liên quan việc này, một cán bộ CSGT (Công an TP.Thủ Đức) cho biết, sau khi tiếp nhận tin TNGT thì sẽ cử tổ CSGT xuống hiện trường. CSGT sẽ thực hiện đo vẽ hiện trường, tạm giữ phương tiện tai nạn liên quan để điều tra. Sau đó, CSGT sẽ lấy lời khai những người liên quan trong vụ tai nạn (người điều khiển, người làm chứng) và khám nghiệm phương tiện.
Từ những bước điều tra trên, trong 7 ngày sau tai nạn sẽ có kết quả trả lời cho các bên liên quan, và đề xuất hướng xử lý. Nếu 7 ngày vẫn chưa xong, CSGT sẽ gia hạn để tiếp tục xác minh (thời gian gia hạn không quá 2 tháng). Trong những vụ TNGT nghiêm trọng như: thương tích trên 60%, chết người, thì CSGT sẽ chuyển giao hồ sơ cho Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp để tiếp tục điều tra xử lý. Công an, CSGT sẽ kết luận vụ việc và tùy theo mức độ sai phạm, hành vi sai phạm sẽ đề xuất xử lý hành chính hoặc đề xuất khởi tố hình sự.
Theo cán bộ CSGT này, tâm lý các chủ phương tiện lớn e ngại sau tai nạn khi bị CSGT giam xe, giữ bằng lái của tài xế là có. Vì xe vận tải đa phần vay ngân hàng, một ngày bị giam xe sẽ thiệt hại đủ kiểu. Tài xế giam bằng cả tháng là cả nhà nhịn đói.
“Có lẽ một phần chính vì điều đó mà các chủ phương tiện nhỏ thường xuyên đòi hỏi quá đáng tiền đền bù mặc dù họ sai hoàn toàn. Các chủ phương tiện lớn vì họ sợ các thiệt hại lớn hơn khi xe, bằng lái bị tạm giữ nên đành ngậm ngùi chấp nhận” - vị này nói thêm..
Nghiêm cấm giữ phương tiện để giải quyết bồi thường Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết khi xảy ra TNGT, tài xế xe lớn bồi thường, muốn “dĩ hòa vi quý”, thỏa thuận với các phương tiện nhỏ hơn là theo tâm lý, thỏa thuận giữa các bên. Còn theo quy định pháp luật, không phân biệt xe lớn, xe nhỏ, mà phải xác định lỗi bên nào hoặc lỗi hỗn hợp. Do đó, việc tạm giữ phương tiện tại hiện trường TNGT sẽ thực hiện theo quy trình tại điều 10, Thông tư 63/2020/TT-BCA. “Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan vụ TNGT để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại”, đại tá Nhật nhấn mạnh và cho hay đây là quy định tại Thông tư 63, nên không có câu chuyện khi tài xế không có lỗi nhưng vẫn bị tạm giữ phương tiện để buộc thỏa thuận bồi thường thiệt hại với bên còn lại. |