Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Trong khi đó, Dự án đường Vành đai 3 – TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Sáng 16-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 – TP. Hồ Chí Minh, với tỷ lệ tán thành lần lượt là 95,18% và 95,38%.
Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đầu tư khoảng 112,8km, chia thành 7 dự án thành phần, trong đó nhóm dự án thành phần thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị) triển khai theo hình thức đầu tư công. Riêng dự án thành phần 3 về đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án là khoảng 1.341ha, trong khi sơ bộ tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, gồm 41.860 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; 14.506 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030; 29.447 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư thu xếp.
Dự án đường Vành đai 3 – TP. Hồ Chí Minh đầu tư khoảng 76,34km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 642,7ha, trong khi sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng, gồm 61.056 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; 14.322 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030.
Cả 2 dự án đều áp dụng phương án giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù
Nghị quyết của Quốc hội quy định rõ một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho việc triển khai, thực hiện các dự án đường vành đai.
Đối với Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, điều chỉnh 14.250 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện Dự án. Đồng thời, cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia tối đa là 66% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án.
Trong khi đó, mức điều chỉnh là 17.146 tỷ đồng đối với Dự án đường Vành đai 3 – TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần của 2 Dự án được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đồng thời, cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.
Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.