"Tai nạn giao thông đường bộ là thảm họa cho toàn xã hội và không một cơ quan, tổ chức nào có thể đơn phương thực hiện công cuộc đẩy lùi thảm họa này". Đó là khẳng định của ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại hội thảo "Các giải pháp trọng tâm nâng cao an toàn giao thông đường bộ", tổ chức ngày 31-5, tại Hà Nội.
Nhận diện 5 yếu tố có nguy cơ cao mất an toàn giao thông
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) đã công bố báo cáo tổng hợp 5 yếu tố có ảnh hưởng lớn tới an toàn giao thông, bao gồm: Thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô; dây an toàn trên xe ô tô; sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; vi phạm tốc độ quy định; mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (giảm 34-81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (giảm 35-72%) và giảm các ca chấn thương khác (giảm 25-58%) trong các vụ tai nạn giao thông. Quan trọng như vậy, song tại Việt Nam hiện chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho loại thiết bị này trên ô tô.
Với dây an toàn trên xe ô tô, người ngồi ghế trước sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong nếu thắt dây an toàn; giảm 45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng. Người ở ghế sau giảm 75% nguy cơ tử vong và bị thương nếu thắt dây an toàn khi xảy ra tai nạn giao thông. Với người lái xe có thể giảm 40-65% khả năng bị chấn thương nghiêm trọng. Ở Việt Nam đã có quy định bắt buộc thắt dây an toàn nhưng quá trình thực thi còn nhiều bất cập.
Với yếu tố sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, các số liệu khảo sát tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho thấy, trong các vụ va chạm giao thông, lái xe có nồng độ cồn chiếm 4-69%, người đi bộ có nồng độ cồn chiếm 18-90% và người đi xe máy từ 10-28%. Việc thực thi nghiêm các quy định, trong đó áp dụng quy định kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên có thể giảm tới 20% số vụ va chạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn.
Trong khi đó, nếu giảm tốc độ 5% sẽ giúp giảm số vụ va chạm giao thông nghiêm trọng tới 30%.
Còn với mũ bảo hiểm, trong 10 năm qua, nhờ sự gia tăng đội mũ bảo hiểm, đã có khoảng 500.000 ca chấn thương đầu và 15.000 ca tử vong được ngăn chặn.
Không đội mũ bảo hiểm là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông.
Lấy con người làm trung tâm trong phương pháp tiếp cận
Để đạt được mục tiêu toàn cầu giảm tỷ lệ bị thương và tử vong do tai nạn giao thông xuống 50%, phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động hợp tác và thay đổi hành vi tham gia giao thông. Đây là quan điểm được các chuyên gia giao thông nhấn mạnh tại hội thảo.
"Tai nạn giao thông đường bộ là thảm họa cho toàn xã hội và không một cơ quan, tổ chức nào có thể đơn phương thực hiện công cuộc đẩy lùi thảm họa này. Việt Nam đã và đang cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay cùng cộng đồng thế giới thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và cuộc sống bình an cho tất cả mọi người dân", ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định.
Góp ý vào các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông, GS.TS Từ Sỹ Sùa (Trường Đại học Giao thông Vận tải) kiến nghị cần cho phép chính quyền địa phương chủ động trong tổ chức giao thông và kiểm soát tốc độ trên địa bàn; ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông thống nhất trên toàn quốc, hướng dẫn kiểm soát tốc độ trong các tình huống điển hình, đặc biệt với các khu vực có tình trạng giao thông phức tạp (như trường học, bệnh viện...), nơi có nhiều người đi bộ qua đường; tiếp tục xem xét giảm tốc độ giới hạn và siết chặt thời gian hoạt động của các loại xe tải có kích thước, tải trọng lớn trong khu vực đô thị và khu đông dân cư...
Đối với thiết bị an toàn cho trẻ em, hội thảo đưa ra khuyến nghị, trẻ em có chiều cao dưới 135cm và dưới 12 tuổi được chở trên xe ô tô cá nhân bắt buộc phải được bảo vệ bằng các thiết bị an toàn phù hợp với chiều cao, độ tuổi và không được phép ngồi hàng ghế của người lái xe ở tất cả các phương tiện cơ giới.
Về dây an toàn, hội thảo khuyến nghị, tất cả các ghế trên xe ô tô đều phải có dây an toàn. Yêu cầu tất cả người ngồi trên xe ô tô (gồm cả lái xe và hành khách cả ghế trước và ghế sau) đều phải thắt dây an toàn đúng cách.
Đối với sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, các hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa gây hậu quả, cũng cần được xem xét xử lý hình sự. Cần lưu trữ hồ sơ vi phạm và quản lý chặt chẽ tái phạm và xử phạt lũy tiến đối với các hành vi tái vi phạm nồng độ cồn.
Về yếu tố mũ bảo hiểm, duy trì quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn với tất cả người ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện; bổ sung quy định xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ em dưới 6 tuổi trên xe mô tô, xe máy.