Chiều 29-7, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Thu phí không dừng - Quyền lợi và trách nhiệm”.
Khách mời Tọa đàm là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đến lĩnh vực này: Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Lê Đình Thọ; Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an); ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc Tổng Cty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thu phí tự động VETC; ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC.
Từ ngày 1-8, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc sẽ triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm. Bên cạnh những lợi ích có thể đo đếm được, việc đưa hệ thống thu phí ETC vào khai thác cũng đưa đến những lợi ích gián tiếp như: Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ cho chủ phương tiện, tiết kiệm chi phí bảo trì đường bộ cho chủ đầu tư, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt…
Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại.
Tại Tọa đàm, các khách mời trao đổi, phân tích, làm rõ hơn các tiện ích của ETC, hướng dẫn người dân cách thức đăng ký, sử dụng dịch vụ ETC, cũng như giải đáp thắc mắc của người sử dụng và giải pháp xử lý những tồn tại phát sinh trong quá trình đưa dịch vụ tiện ích này vào cuộc sống.
Theo Thứ trưởng GT-VT Lê Đình Thọ, để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, ngoài nguồn lực của ngân sách Nhà nước, chúng ta phải tìm những giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Giai đoạn 2010-2015, chúng ta đã thực hiện hình thức đầu tư với dạng hợp đồng BOT. Khi chúng ta thực hiện đầu tư hình thức này thì chúng ta đang áp dụng hình thức thu phí một dừng, tức là hình thức thủ công, đối tượng chủ yếu là đường quốc lộ được nâng cấp và sửa chữa. Riêng đối với đường cao tốc chúng ta cũng đầu tư và sử dụng hình thức thu phí kín, thu phí trên đầu phương tiện, đi km nào chúng ta thanh toán km ấy. Hai hình thức này khác nhau, trên đường quốc lộ được nâng cấp, sửa chữa chúng ta đầu tư và thu phí theo hình thức thủ công, còn áp dụng hình thức thu phí kín đối với đầu tư đường cao tốc.
Quá trình thực hiện hình thức thu phí thủ công trên đầu phương tiện theo lượt bộc lộ một số vấn đề. Thứ nhất, gây nên ùn tắc giao thông ở các trạm thu phí giao thông, có những trạm có tình trạng ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Thứ hai là có một số trạm không công khai, minh bạch trong vấn đề thu phí, tạo nên dư luận xã hội không tốt. Thứ ba là tạo nên môi trường không trong lành đối với những trạm thu phí, không tiện lợi cho người dân.
Do đó, Chính phủ đã giao Bộ GT-VT nghiên cứu đưa công nghệ vào để áp dụng thay thế hình thức một dừng. Bộ có nghiên cứu trên thế giới cũng như trong khu vực và lựa chọn công nghệ để áp dụng. Năm 2015, Bộ chính thức nghiên cứu và thí điểm thu phí không dừng vào thu phí đường bộ.
Về lộ trình thực hiện, chúng tôi đã tính toán và đưa ra các lộ trình. Trước hết là đối với đường quốc lộ đã lắp trạm thu phí một dừng thì lộ trình đến năm 2023, toàn bộ sẽ lắp đặt thu phí không dừng, và chỉ dành 1 làn hỗn hợp để xử lý cho thời kỳ quá độ, khi người dân chưa thực hiện đầy đủ. Đến năm 2025, sẽ thực hiện toàn bộ thu phí không dừng ở tất cả các trạm thu phí.
Riêng đường cao tốc, Bộ đã đưa ra lộ trình. Đối với dự án các đường cao tốc, tuyến cao tốc do các nhà đầu tư khác đầu tư, chúng tôi đã áp dụng công nghệ thu phí không dừng rồi. Bốn tuyến cao tốc của VEC đã có kế hoạch và triển khai nhưng do VEC tái cơ cấu nên có ảnh hưởng đến nguồn tài chính. Đến năm 2021, chúng ta xác định được nguồn, từ đó để có cơ sở triển khai tiếp dự án.
Với tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là sớm đưa công nghệ này vào để triển khai đối với hệ thống đường cao tốc và hệ thống đường quốc lộ hiện hữu đang thực hiện các trạm thu phí, chúng tôi đã có kế hoạch chi tiết để triển khai với các chủ đầu tư, cùng với các nhà cung cấp dịch vụ để chúng ta có kế hoạch đáp ứng được tiến độ này.
Khi thực hiện thu phí không dừng, sẽ khắc phục được các tồn tại đối với thu phí một dừng hiện nay: Thứ nhất, thể hiện sự phát triển của ngành giao thông Việt Nam là ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào tổ chức và quản lý, đưa hệ thống thông minh vào hoạt động, văn minh và tiện lợi.
Thứ hai, đem lại sự thuận tiện cho người dân về thời gian, thuận tiện khi dừng đỗ các trạm, làm tốt vấn đề môi trường. Khi qua trạm thủ công chúng ta mất vài ba phút dừng lại, trong điều kiện thời tiết bình thường không sao, nếu nắng mưa sẽ ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện. Chúng ta sử dụng hình thức mới, chỉ việc đi qua, không phải mở cửa xe, dừng xe, rất thuận lợi.
Thứ ba, tiết kiệm thời gian, tránh ùn tắc giao thông trên các tuyến.
Thứ tư, khi thực hiện công nghệ thu phí không dừng, chúng ta sẽ công khai, minh bạch doanh thu, các cơ quan giám sát lẫn nhau như nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, đây là giải pháp tạo niềm tin cho nhân dân yên tâm thực hiện, rất công khai, minh bạch.
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thu phí tự động VETC cho biết, VETC là đơn vị được Bộ GT-VT lựa chọn triển khai thu phí không dừng từ năm 2015. Đến nay sau 7 năm, VETC đã rút ra nhiều kinh nghiệm triển khai thu phí không dừng. Từ quá trình triển khai đó, chúng ta vừa làm vừa điều chỉnh sao cho hợp văn hóa của Việt Nam và phù hợp với tất cả những hoạt động thu phí của Việt Nam. Việc chúng ta áp dụng công nghệ để điều chỉnh và ứng dụng vào công tác thu phí từ thu phí 2 dừng sang 1 dừng và bây giờ là không dừng.
Thu phí không dừng áp dụng ở Việt Nam là công nghệ RFID rất tiên tiến. Nếu so sánh với Singapore cũng không dừng nhưng dùng công nghệ BIC tức là vẫn dùng OBU bỏ trên xe, còn Việt Nam dùng công nghệ RFID, cao hơn BIC. Đây là mô hình khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi nước để thu phí không dừng.
Thu phí không dừng ở Việt Nam có 4 giai đoạn. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn 1, cố gắng tiến tới giai đoạn 2, xong thì đến giai đoạn 3 và 4. Ở giai đoạn 4 là giai đoạn đa làn tự do, tức là không còn trạm thu phí, không còn đảo thu phí nữa, các xe có thể đi qua. Đây là giai đoạn tốt nhất và mong muốn nhất của Bộ GT-VT và Chính phủ.
Còn quá trình triển khai vận hành thì VETC là đơn vị triển khai từ đầu có kinh nghiệm điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Công tác tuyên truyền cho lái xe ngay từ ngày đầu cũng là công tác phức tạp và rất khó khăn. Từ ngày đầu khi dán thẻ này vào các phương tiện, các chủ phương tiện rất nghi ngại sẽ bị theo dõi. Do đó thời gian đầu không hợp tác để dán thẻ nên phải vận động, tuyên truyền rất nhiều để các chủ phương tiện hiểu được lợi ích mà công nghệ này mang lại.
Đến thời điểm này, số lượng thẻ trên toàn quốc mà chúng ta dán cho các chủ phương tiện đã tăng lên rất nhiều. Cả 2 đơn vị đã phối hợp với nhau để triển khai. Hy vọng theo yêu cầu của Chính phủ, chúng ta sẽ hoàn thành khoảng 80-90% trong năm 2022.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết: Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định 19 và Chỉ thị 39 của Chính phủ cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Trong đó giao cho lực lượng Cảnh sát giao thông công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác điều tra cơ bản trên từng tuyến, địa bàn, doanh nghiệp và lưu lượng phương tiện ở các trạm thu phí và dự kiến lắp đặt thu phí không dừng để qua đó có phương án cụ thể, sát với thực tiễn.
Thứ hai, Cục Cảnh sát giao thông lấy công tác tuyên truyền, vận động người dân qua công tác nghiệp vụ của mình để người dân thấy lợi ích của thu phí không dừng, qua đó nắm bắt được vướng mắc, khó khăn của người dân liên quan đến thu phí không dừng để giúp tháo gỡ ngay tại địa bàn cơ sở; đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo giữa Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị Viettel để qua đó tìm giải pháp tốt nhất giải quyết những tình huống trong quá trình triển khai thực hiện.
Cục cũng đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các địa phương có phương án phân luồng từ xa. Khi ở trạm thu phí này có sự cố, thì đồng thời các địa phương khác đều phải có phương án giải toả thống nhất trên sự chỉ đạo tập trung của Cục Cảnh sát giao thông.
Cục Cảnh sát giao thông cũng xây dựng và triển khai thực tiễn những phương án khi xảy ra sự cố, tắc đường, cháy nổ… Điển hình khi chúng tôi cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chúng ta không những xây dựng phương án trên văn bản mà cả triển khai trên thực tiễn, huy động chính quyền các cấp và lực lượng công an cơ sở. Như vậy khi có sự cố, chúng ta giải quyết được ngay. Chính vì vậy thời gian vừa qua, những sự cố về mất an ninh trật tự, khiếu nại từ người dân hoặc những sự cố gây tắc đường đều được xử lý bài bản, đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm an toàn giao thông thông suốt…