Ngày 12/8, Báo Giao thông đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt 'bão giá'.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề “bão giá” vật liệu xây dựng tại các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án cao tốc bắc - nam.
Sau khi giá xăng dầu liên tiếp tăng và lập đỉnh mới, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp can thiệp về thuế, phí nên xăng dầu đã giảm nhiệt, tại lần điều chỉnh ngày 11/8, giá xăng Ron 95 giảm 940 đồng/lít (còn 25.340 đồng/lít đối với xăng Ron 95 V và 24.660 đồng/lít đối với xăng Ron 95 III); xăng E5 Ron 92 giảm 900 đồng/lít, còn 23.720 đồng/lít; dầu diesel loại 0,05S giảm 1.000 đồng/lít, còn 22.900 đồng/lít... Giá hàng hóa nói chung và nguyên vật liệu xây dựng tới đây cũng sẽ giảm theo.
Tuy nhiên, các nhà thầu tại các dự án cao tốc bắc - nam vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do phải đối mặt với nhiều đợt tăng giá vật liệu và đang mong ngóng từng ngày được sớm tháo gỡ, điều chỉnh giá. Một số nhà thầu rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, càng làm càng lỗ, nhưng dừng thi công lại bị phạt hợp đồng.
Tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhận định, đối với dự án hạ tầng giao thông, khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, chất lượng công trình, mục tiêu cam kết... chính là vật liệu xây dựng.
Thời gian qua, tiến độ cung cấp vật liệu, giá cả vật liệu đã tác động tới rất nhiều nhà thầu thi công dự án cao tốc bắc - nam. Hy vọng qua đây, có thể đề xuất Nhà nước giải pháp tháo gỡ trước những vấn đề khó khăn, cấp thiết, tương tự như cách tháo gỡ về giá xăng dầu.
Nhiều đoạn tuyến cao tốc bắc - nam giai đoạn 1 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để bảo đảm kế hoạch. (Ảnh: VOV.VN)
Phó Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Lê Quyết Tiến cho biết, có 2 phương pháp chính để điều chỉnh giá gồm điều chỉnh theo công thức và bù trừ trực tiếp. Giai đoạn đầu, một số địa phương không công bố đầy đủ chỉ số giá, công bố giá không sát với biến động giá thực tiễn.
Tuy nhiên, sau khi có báo cáo của Bộ GT-VT và sự vào cuộc của Bộ Xây dựng đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tình trạng này đã phần nào được khắc phục. Theo thống kê, hiện đã có 44 địa phương công bố giá vật liệu hằng tháng, 19 địa phương công bố giá vật liệu theo quý. Một số địa phương đã thực hiện tốt công bố giá vật liệu bám sát biến động thị trường.
Bộ GT-VT đã đề xuất 2 giải pháp: Công bố giá phản ánh đúng thực tiễn, nếu được có thể xem xét tách công thức giá, không công bố giá bình quân cho cả hợp đồng gói thầu nữa mà tách ra một số nhóm vật liệu chính bị biến động lớn. Ngoài ra, cần khắc phục bất cập do vật liệu đất đắp không được điều chỉnh giá, đây là vật liệu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong hợp đồng (khoảng hơn 20%).
Ông Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng Định mức và đơn giá, Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng, trong đó kiến nghị Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng trên địa bàn, nhằm khắc phục hạn chế do các nguyên nhân từ chủ quan và khách quan.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo chủ đầu tư các dự án báo cáo khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; xác định rõ trách nhiệm các bên và cơ sở pháp lý về việc điều chỉnh hợp đồng (kể cả hợp đồng BOT), đề xuất giải pháp tháo gỡ trên cơ sở chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền. Các bộ, ngành liên quan có trách giám sát kết quả thực hiện của địa phương, kịp thời tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật thẩm định (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GT-VT) đánh giá, đến nay, 4 dự án thành phần trên tuyến cao tốc bắc - nam yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2022 đều đã chậm tiến độ mà nguyên nhân phần lớn do tác động của “bão giá”.
Đối với 2 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây do Ban Quản lý dự án Thăng Long đang thực hiện, Ban đã tìm đủ mọi cách như đẩy nhanh tiến độ thanh toán, triển khai thủ tục hợp đồng điều chỉnh giá đi kèm trượt giá. Tuy chưa kịp với biến động giá nhưng đã phần nào gỡ được về tài chính, đưa vật liệu đến công trường.
Về phía nhà thầu, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco 4 cho hay, thời gian qua, giá nhiên liệu liên tục giảm sâu, tạo niềm tin của nhà thầu về sự điều hành của Chính phủ, hy vọng giá vật tư, vật liệu sẽ đỡ áp lực hơn.
Cienco 4 đang thi công đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc cao tốc bắc - nam. Vật liệu là nguồn tài nguyên của đất nước lại giao cho một số chủ mỏ, nếu giai đoạn 2 cao tốc bắc - nam không có cách xử lý tốt sẽ có nguy cơ bị “vỡ trận”. Tuy thời gian qua đã có chỉ đạo quyết liệt, cấp một số mỏ cho nhà thầu nhưng thực tế vẫn chưa khai thác được.
Về thủ tục, để được khai thác một mỏ vật liệu mất cả năm trời. Trong khi đó, thời gian để thi công dự án cao tốc bắc - nam yêu cầu hoàn thành trong hơn 2 năm, thời gian cấp phép mỏ dài như thế, sẽ gây khó khăn lớn cho nhà thầu.
Ông Nguyễn Lê Bách, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch - kỹ thuật (Tập đoàn Đèo Cả) cho biết, thời gian qua, không những thép mà giá các vật liệu khác như đất đắp, xăng dầu, xi măng... đều tăng cao khiến giá thành các dự án đang bị vượt khoảng 18-30% so hợp đồng gốc.
Tập đoàn Đèo Cả còn tham gia với vai trò nhà đầu tư tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Với dự án này, khó khăn rất nhiều, thời điểm mời thầu, chỉ số trượt giá của dự án chỉ ở mức thấp. Nhà thầu còn được xem xét điều chỉnh giá, nhưng với vai trò là nhà đầu tư, số tiền Nhà nước tham gia hỗ trợ dự án là cố định.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho những nhà thầu khẳng định khả năng, tiềm lực về tài chính, cơ chế quản lý doanh nghiệp phù hợp. “Bão giá” là thách thức và cơ hội để nhận ra nhà thầu có năng lực, đáng tin cậy...