Từ cuối tháng 4/2023, đèo So nằm trên Quốc lộ 3C (đoạn qua xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành khắc phục, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên việc xử lý sạt lở vẫn còn chậm.
Sạt lở tại khu vực đèo So ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của người dân qua khu vực này. |
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, ngay trong những trận mưa lớn đầu mùa vào tháng 4/2023, ta luy dương tại khu vực đèo So, đoạn từ Km34+700 đến Km34+810 trên Quốc lộ 3C, đã bị sạt lở với khối lượng hơn 100m3 đất đá. Không những vậy, trên ta luy dương tiếp tục xuất hiện các vết nứt kéo dài, nguy cơ sạt lở rất cao. Do đó, cơ quan chức năng đã tạm dừng cho phương tiện và người dân lưu thông qua khu vực này trong thời gian xử lý thông xe bước 1.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, trong khi đơn vị thi công đang triển khai hạ ta luy dương thì khu vực này tiếp tục bị sạt lở. Khu vực sạt lở tại đèo So không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại, do đó nhiều lần cơ quan chức năng phải tiếp tục cấm phương tiện lưu thông.
Tiếp đó, sau khi có văn bản của Bộ Giao thông Vận tải công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp tại đèo So, ngày 24/5, Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên đã phối hợp với một số sở, ngành của tỉnh và UBND huyện Định Hóa thống nhất phương án thi công xử lý sạt lở.
Theo đó, để xử lý triệt để tình trạng sạt lở tại đèo So, đơn vị thi công (Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình Bắc Nam) không chỉ phải di chuyển lượng đất đá lớn bị sạt lở xuống đường, mà còn phải hạ ta luy dương và những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Khối lượng đất đá phải di chuyển ước tính khoảng 60.000m3.
Theo ông Hoàng Trọng Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến Quốc lộ 3C: Việc xử lý sạt lở bị chậm hơn so với dự kiến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất được cho là do thời tiết trong tháng 6 liên tục có mưa lớn, gây sạt lở; vị trí ta luy cao, khó đưa máy xúc, phương tiện tiếp cận để vận chuyển đất đá.
Đơn vị thi công khắc phục sạt lở tại đèo So. |
Bên cạnh đó, do thi công ở vị trí ta luy cao (khoảng 60m so với nền đường) nên không tránh khỏi việc đất đá rơi xuống lòng đường, đơn vị thi công phải liên tục cho phương tiện tạm dừng lưu thông để đảm bảo an toàn.
Ngoài các nguyên nhân kể trên thì việc sử dụng bãi tập kết tại xã Kim Phượng (cách đèo So gần 15km) là khá xa, vị trí tập kết có địa hình phức tạp, phải tiến hành san gạt mất nhiều thời gian để vận chuyển đất đá sạt lở. Do những nguyên nhân kể trên, đến nay, đơn vị thi công mới di dời được khoảng 20.000m3 đất đá sạt lở xuống đường và ở ta luy dương.
Trước tình hình giao thông ở đèo So còn khó khăn, Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên đang quyết liệt chỉ đạo khắc phục dứt điểm tình trạng sạt lở tại khu vực này. Theo đó, Sở yêu cầu đơn vị thi công huy động thêm nhân lực, thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ khắc phục sạt lở, bảo đảm thời gian theo hợp đồng; có biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông; phấn đấu hoàn thành việc khắc phục sạt lở trước ngày 15-7...
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông, Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên phối hợp với cơ quan chức năng, đơn vị thi công và chính quyền địa phương bố trí lực lượng trực ở 2 đầu đèo So (ở cả 2 phía thuộc tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn) để kịp thời cảnh báo, phân luồng, hướng dẫn phương tiện lưu thông qua khu vực này. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin