Hằng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến nhiều hình ảnh mất ATGT liên quan đến trẻ em. Đó là phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con, cháu mình; trẻ em vui đùa ngay đường giao thông hay tự đi bộ, chạy sang đường; học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm và phóng nhanh, vượt ẩu… Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó đáng quan tâm nhất là những “khoảng trống” trong quản lý, giáo dục trẻ em và sự thiếu gương mẫu của người lớn.
Phụ huynh chưa nêu gương
Có mặt tại cổng Trường Tiểu học Cổ Lũng (Phú Lương) sáng 23-11, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh phụ huynh đưa trẻ đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, thậm chí có phụ huynh còn không tự đội mũ bảo hiểm cho mình và chở 2-3 trẻ đều không đội mũ bảo hiểm phía sau.
Tại khu vực cổng Trường THCS Nha Trang (T.P Thái Nguyên) trong giờ tan học, mặc dù đường hẹp và rất đông người nhưng một số học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện vẫn phóng nhanh, vượt ẩu dẫn tới đâm phải người đi bộ sang đường. Không những vậy, sau khi va chạm, có học sinh điều khiển xe máy điện gây tai nạn bỏ chạy.
Trên thực tế, những hình ảnh phụ huynh đưa con, cháu đi học; học sinh vi phạm trật tự ATGT xuất hiện khá phổ biến. Nhiều phụ huynh nêu ra lý do: Nhà gần, đi một chút là tới trường nên không lo trẻ mất an toàn; khi đưa đón trẻ đều rất vội nên quên… đội mũ bảo hiểm, hoặc khó tìm mua mũ bảo hiểm vừa cho trẻ, các cháu khó chịu khi đội mũ bảo hiểm; trẻ nhỏ người, tranh thủ chở 2-3 trẻ cũng không sao…
Tuy nhiên, tất cả lý do này đều là ngụy biện cho hành vi vi phạm của bản thân phụ huynh. Lý do chính là các bậc phụ huynh đã coi nhẹ việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhận thức chưa đầy đủ về tác động của hành vi vi phạm trật tự ATGT với con trẻ.
Học sinh THCS điều khiển mô tô trên 100CC và không đội mũ bảo hiểm trên tuyến đường Quang Trung (T.P Thái Nguyên).
Tại các nhà trường, trẻ em được giáo dục ATGT thông qua các buổi học ngoại khóa hoặc tuyên truyền của Ban ATGT các địa phương. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của phụ huynh lại có vai trò quan trọng nhất tác động đến nhận thức của trẻ.
Cô giáo Hà Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Tự Minh, xã Động Đạt (Phú Lương) cho rằng: Trẻ em là tờ giấy trắng, người lớn vẽ lên đó thế nào thì trang giấy ấy sẽ như vậy. Phần lớn trẻ em tiểu học được phụ huynh đưa đến trường. Phụ huynh không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ sẽ khiến trẻ nhận thức lệch lạc, từ đó rất khó tạo nên ý thức chấp hành nghiêm quy định về ATGT sau này.
Không chỉ chấp hành chưa nghiêm túc, nhiều phụ huynh còn có tâm lý nuông chiều, “thương con”, sợ con đi xe đạp vất vả nên đã giao xe máy dung tích trên 50CC cho trẻ điều khiển trong khi trẻ mới ở bậc học THCS. Trẻ em ở lứa tuổi này chưa có nhận thức đầy đủ, cộng thêm tâm lý “ẩm ương” của tuổi mới lớn nên rất dễ xảy ra nguy cơ TNGT khó có thể lường trước được. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mọi người đều hạn chế đi xe công cộng nên tỷ lệ học sinh tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân càng tăng cao.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATGT trong trường học.
Chế tài xử lý chưa phù hợp
Nhằm giúp hạn chế TNGT và vi phạm trật tự ATGT liên quan đến trẻ em, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính còn gặp khó về chế tài theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Công Huấn, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh: Trong việc tham gia giao thông, trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương, bởi ý thức và hiểu biết về các quy định pháp luật còn hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ đã được các trường triển khai đồng bộ và tăng cường nhưng đôi khi các bậc phụ huynh lại không quan tâm, còn tình trạng vi phạm luật. |
Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phân tích: Theo quy định, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, không xử phạt vi phạm trật tự ATGT đối với trẻ từ 7 đến dưới 14 tuổi; phạt cảnh cáo đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô; phạt cảnh cáo là mức cao hơn nhắc nhở nhưng không được phép xử phạt tiền hoặc tạm giữ phương tiện. Người từ 16-18 tuổi vi phạm mới bị xử phạt nhưng mức phạt tiền bằng 50% quy định chung.
Những quy định này rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với trẻ em nhưng cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi muốn xử lý, răn đe với những trẻ có hành vi ngỗ ngược, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đơn cử như trường hợp trẻ dưới 14 tuổi lấy xe máy của cha mẹ hoặc đi xe máy điện, xe đạp điện nhưng đua xe, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu thì lực lượng Cảnh sát giao thông bắt giữ được chỉ tuyên truyền, giáo dục, gọi phụ huynh đến nhắc nhở, chứ không xử phạt. Điều này khiến một số trẻ tiếp tục vi phạm nếu không có sự giám sát từ phụ huynh.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, người lớn chở trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên không cho trẻ đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và bị xử phạt từ 200 đến 300 nghìn đồng. |
Đối với vấn đề xử phạt phụ huynh vi phạm trật tự ATGT khi đưa đón con, cháu, Đại úy Đỗ Duy Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Định Hóa cho biết: Chúng tôi cũng gặp khó khăn vì khi có mặt lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát thì các phụ huynh chấp hành rất nghiêm túc, nhưng khi lực lượng rút đi thì họ lại tái diễn vi phạm.
Có thể nhận thấy, tình trạng vi phạm trật tự ATGT liên quan đến trẻ em khá phổ biến, trong khi việc xử phạt còn nhiều khó khăn. Tình trạng phụ huynh chưa quan tâm sâu sát tới trẻ khi tham gia giao thông vẫn còn diễn ra. Đây đều là những nguyên nhân chính dẫn tới TNGT liên quan đến trẻ em. Vậy, giải pháp nào để hạn chế tình trạng này, bảo vệ trẻ em khỏi là nạn nhân của TNGT? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài tiếp theo.
(Còn nữa)