Vụ lật ca nô mới đây khiến 17 người thiệt mạng ở biển Cửa Đại (Quảng Nam) đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng mất an toàn giao thông đường thuỷ. Chính điều đó khiến các địa phương có hệ thống giao thông đường thuỷ càng phải cẩn trọng và quyết liệt hơn trong công tác quản lý vận tải, nhất là trong bối cảnh cả nước tập trung phục hồi kinh tế và mở cửa du lịch như hiện nay.
Thái Nguyên là tỉnh không phải trọng điểm về giao thông đường thuỷ, nhưng cũng là địa phương có hoạt động vận tải thuỷ nội địa tương đối đa dạng. Hoạt động này tập trung nhiều nhất tại khu vực hồ Núi Cốc, khu cảng Đa Phúc và một số sông, hồ lớn khác.
Tại hồ Núi Cốc và các hồ, đập lớn trong tỉnh, dịch vụ vận tải đường thuỷ chủ yếu phục vụ khách du lịch di chuyển tham quan, còn tại khu vực cảng Đa Phúc và các bến bãi khác dọc sông Cầu, sông Công…, vận tải đường thuỷ lại chủ yếu chở hàng hoá, vật liệu xây dựng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay vận tải đường thuỷ tại cảng Đa Phúc khá sôi động, là khu vực thường xảy ra va chạm, mất trật tự về giao thông. Tuy các lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, nhưng do tính chất phức tạp của khu vực ngã ba sông, vùng giáp ranh giữa các tỉnh, nên tình trạng mất an toàn giao thông tại đây chưa thể giải quyết dứt điểm. Còn tại một số bến đò tự phát, tình trạng lộn xộn trong vận tải vẫn diễn ra và khó kiểm soát…
Trước thực tế trên, tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng tăng cường lực lượng rà soát, kiểm tra thường xuyên, liên tục nhằm siết chặt trật tự an toàn đường thuỷ nội địa. Các ngành Công an, Giao thông - Vận tải chỉ đạo lực lượng kiểm tra ngay tại các bến thủy có tổ chức hoạt động vận tải hành khách, nhất là đối với khu vực hồ Núi Cốc và các hồ có dịch vụ du lịch. Phải kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với bến kinh doanh vận tải khách du lịch không phép, mục tiêu là không để phương tiện thiếu điều kiện khai thác vận tải, không bảo đảm an toàn được hoạt động.
Không cho xuất bến đối với các phương tiện chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định. Yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách trên đường thủy kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện sau thời gian dài không hoạt động do dịch COVID-19 trước khi đưa vào vận hành.
Các lực lượng cần thắt chặt phối hợp, tổ chức hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ. Đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng tại các bến thủy và trên các phương tiện thủy vận tải để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.
Trong bối cảnh mở cửa du lịch hiện nay, cần thiết phải rà soát một cách tổng thể các hoạt động du lịch liên quan đến giao thông đường thủy. Cơ quan chuyên môn phải đôn đốc, hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động đưa đón khách từ khâu bán vé, sắp xếp hành khách lên phương tiện, không để xảy ra tình trạng các phương tiện tự chèo kéo khách, hành khách chen lấn, xô đẩy khi lên, xuống phương tiện. Yêu cầu hành khách phải sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay trong suốt quá trình tham gia giao thông đường thủy.
Kiểm soát chặt điều kiện hoạt động vận tải đường thuỷ đối với các đơn vị, doanh nghiệp. Người lái phương tiện thủy phải có đủ chứng chỉ chuyên môn, có kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống trong hoạt động vận tải; kịp thời cung cấp thông tin thời tiết, thông tin cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn người tham gia giao thông xử lý tình huống khi cần.
Chính quyền các địa phương phải cho rà soát, kiểm tra ngay hoạt động vận chuyển khách tham quan du lịch qua ngang sông và phương tiện thô sơ theo quy định.
Ở thời điểm này, dù hoạt động du lịch nội địa chưa thật sự phục hồi, lượng khách du lịch đến tỉnh chưa nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động vận tải hàng hoá chưa thật sự trở lại, song vấn đề an toàn giao thông đường thuỷ luôn cần được siết chặt, để chủ động và kích hoạt chiến dịch đón khách du lịch, phục hồi kinh tế.