Nhiều năm qua, bất cứ ai lên huyện Định Hóa đều rất dễ bắt gặp những chiếc xe tắc tơ, công nông, máy tự chế chạy trên các tuyến đường từ Quốc lộ 3C đến các tuyến liên xã. Theo quy định của Chính phủ, loại phương tiện này không được lưu hành, tham gia giao thông trên các tuyến đường. Nhưng việc chấm dứt tình trạng này không dễ.
Tham gia giao thông trên các tuyến đường của huyện Định Hóa, chúng tôi thường gặp những chiếc xe tắc tơ, công nông, máy tự chế “vô tư” chạy. Nhiều xe còn chở gỗ, hàng nông sản… chất ngất trên thùng. Có chiếc thùng xe chỉ thiết kế cao chừng vài chục cm nhưng hai bên được dựng cọc gỗ hay hàn cọc sắt để “nhồi” lên đó vài khối gỗ. Có xe được cải hoán, cấu tạo đơn giản, không có xi nhan, đèn chiếu sáng cả phía trước và phía sau…
Nhìn từ xa đã thấy mất an toàn, ai cũng phải dè chừng, tránh xa bởi xe có thể rẽ sang đường hoặc hàng trên xe có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Thực trạng đó đã tồn tại nhiều năm qua ở huyện Định Hóa và một số địa phương khác, nhất là các huyện, xã miền núi, vùng cao. Vấn đề này đã được báo chí phản ánh, các cấp, ngành chức năng cũng đã vào cuộc giải quyết, xử lý.
Theo chỉ thị số 46 ngày 09/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 ngày 28/12/2007 của Bộ Công an - Bộ Giao thông - Vận tải, từ ngày 01/01/2008 cấm lưu hành đối với các loại xe tương tự xe “tự chế”.
Xe tự chế bao gồm: Xe công nông; xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ 3 bánh, xe bốn bánh. Là xe tự chế, xe công nông bị cấm lưu hành nên chắc chắn người điều khiển không có “bằng lái”. Phương tiện này không được kiểm định, không bảo đảm về điều kiện an toàn kỹ thuật, nguy cơ gây mất an toàn cao khi tham gia giao thông.
Thực tế là vậy và quy định đã có, nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng trên không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Hơn nữa, cũng cần có cái nhìn đa chiều, đánh giá và đề xuất giải pháp phù hợp để “thuận trên - vừa dưới”.
Định Hóa là huyện miền núi, đời sống kinh tế của người dân phần lớn là dựa vào trồng rừng và sản xuất nông nghiệp. Do địa hình phức tạp, khó khăn nên khi các loại xe tải thông thường không thể vận chuyển sản phẩm khai thác, chế biến từ rừng thì xe công nông, xe tự chế lại có ưu điểm.
Từ nhiều năm trước, khi các loại phương tiện giao thông, xe tải chưa nhiều thì xe công nông đã như một “cứu cánh” cho bà con. Nhiều hộ đã tự bỏ tiền mua sắm và không ít hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đây, rất nhiều người dân đã mua sắm, lắp ráp thêm thiết bị, cải biến thành phương tiện để vận chuyển hàng hóa, lưu thông trên các tuyến đường. Với đa số các gia đình thì đây là tài sản lớn, có thể coi là “đầu cơ nghiệp”, hỗ trợ sức người rất thiết thực.
Chị La Thị Ng. ở xã Đồng Thịnh cho biết: Cũng như rất nhiều gia đình khác, từ nhiều năm trước, nhà tôi đã thế chấp tài sản để đầu tư mua máy nông nghiệp. Từ đây, tôi mua sắm thêm các loại thiết bị khác để biến nó thành chiếc xe công nông. Với gia đình tôi, nó không chỉ là phương tiện hỗ trợ sản xuất mà còn là tài sản lớn. Hơn nữa, mỗi khi thu hoạch nông sản mà đi thuê xe tải thì mất nhiều chi phí.
Đại úy Đỗ Duy Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Định Hóa) thông tin: Qua nắm bắt tình hình, trên địa bàn Định Hoá hiện có trên 100 xe tắc tơ, công nông, xe tự chế, máy kéo không đủ điều kiện lưu hành. Vậy nhưng, đến nay các loại phương tiện trên vẫn chưa thống nhất được tên gọi. Bên cạnh đó, có phương tiện được cấu tạo và chức năng gống như xe chuyên dùng. Loại phương tiện này lại được phép lưu hành khi đáp ứng đủ điều kiện quy định.
Nếu như áp dụng theo quy định, sử dụng chế tài để xử lý, nghiêm cấm các loại phương tiện trên lưu hành một cách máy móc thì người dân không chỉ bị xử phạt hành chính mà chắc chắn sẽ bị tịch thu phương tiện. Với họ, điều này nghĩa là mất đi một tài sản lớn của trong gia đình.
Hơn nữa, lực lượng chức năng tiến hành xử lý hành chính cũng không dễ vì nhiều trường hợp chủ xe bỏ phương tiện ở lại, xử phạt thì xe không có đăng ký còn tịch thu phương tiện đưa về trụ cũng khó và nếu làm đồng bộ thì cần một kho bãi lớn…
Đó là những nguyên nhân khiến chính quyền địa phương và lực lượng chức năng khó kiên quyết xử lý. Do vậy, lâu nay chính quyền và lực lượng chức năng tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về việc sử dụng các loại xe công nông, xe tự chế một cách an toàn…
Từ thực tế ở huyện miền núi Định Hóa, nhiều người đề xuất các cấp, ngành chức năng nên nghiên cứu ban hành văn bản cho lưu hành loại phương tiện trên. Tuy nhiên, để được lưu hành, xe đó phải đảm bảo an toàn, qua kiểm định, lắp đặt đầy đủ trang thiết bị (như đèn, xi nhan…) giống như xe chuyên dùng. Người điều khiển phải được đào tạo, cấp giấy phép lái xe… Với những xe tự chế, thô sơ, không đủ điều kiện lưu hành trên đường thì cương quyết xử lý.
Còn theo chúng tôi, khi các quy định cấm xe công nông, xe tự chế vẫn còn hiệu lực thì mọi người phải tuân thủ, chấp hành, đặc biệt là không lưu thông trên các tuyến đường để đảm bảo an toàn cho chính mình và xã hội.