GPS và những ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống

14:57, 01/07/2007

GPS (Global Positioning System) - hệ thống định vị toàn cầu vừa được triển khai ứng dụng vào quản lý các tuyến xe buýt tại TP Hồ Chí Minh. Với việc ứng dụng này, người ta có thể kiểm tra toàn bộ các thông tin từ việc chạy đúng giờ, đúng tuyến đến thái độ phục vụ của nhân viên qua các “hộp đen” lưu trữ thông tin.

GPS là hệ thống xác định vị trí dựa trên các vệ tinh nhân tạo. Trong cùng một thời điểm, ở một vị trí trên mặt đất nếu xác định được khoảng cách đến ba vệ tinh (tối thiểu) thì sẽ tính được tọa độ của vị trí đó. Được thiết kế và quản lý bởi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, ban đầu GPS chỉ dành cho các mục đích quân sự, nhưng từ năm 1980 chính phủ Hoa Kỳ cho phép mọi người sử dụng nó miễn phí, bất kể quốc tịch.

GPS hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, mọi nơi trên trái đất 24 giờ một ngày và không mất phí thuê bao hoặc mất tiền trả cho việc thiết lập sử dụng GPS. Có 24 quả vệ tinh làm nên vùng không gian GPS trên quỹ đạo 12 ngàn dặm cách mặt đất. Chúng chuyển động ổn định với vận tốc 7 nghìn dặm/giờ, quay hai vòng quỹ đạo trong khoảng thời gian gần 24 giờ.

Các vệ tinh được nuôi bằng năng lượng mặt trời và có các nguồn pin dự phòng để duy trì hoạt động khi chạy khuất vào vùng không có ánh sáng. Các tên lửa nhỏ gắn ở mỗi quả vệ tinh giữ chúng bay đúng quỹ đạo đã định.

Các vệ tinh GPS bay vòng quanh trái đất hai lần trong một ngày theo một quỹ đạo rất chính xác và phát tín hiệu có thông tin xuống trái đất. Các máy thu GPS nhận thông tin này và bằng phép tính lượng giác tính được chính xác vị trí của người dùng.

Máy thu GPS phải khóa được tín hiệu của ít nhất ba quả vệ tinh để tính ra vị trí hai chiều (kinh độ và vĩ độ) và để theo dõi được chuyển động. Với bốn hay nhiều hơn số quả vệ tinh trong tầm nhìn thì máy thu có thể tính được vị trí ba chiều (kinh độ, vĩ độ và độ cao).

Một khi vị trí người dùng đã tính được thì máy thu GPS có thể tính các thông tin khác, như tốc độ, hướng chuyển động, bám sát di chuyển, khoảng hành trình, khoảng cách tới điểm đến, thời gian mặt trời mọc, lặn và nhiều thứ khác nữa.

Ứng dụng của GPS

Mục đích sử dụng ban đầu của GPS dùng trong lĩnh vực quân sự (chế tạo ra các loại tên lửa thông minh), nhưng ngày nay GPS ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

Các nhà khoa học dựa vào tính năng chính xác của GPS để thiết lập các bản đồ, khảo sát các công trình, tuyến kênh, tuyến đường, xác định vị trí chính xác của các trụ điện, đường dây tải điện, quản lý các tuyến xe… Các xe hơi hiện nay đều có xu hướng cài đặt hệ thống dẫn đường (Navigation).

Qua đó, các thông tin về vị trí, tọa độ của xe sẽ được hiển thị ngay trên màn hình, người lái có thể chủ động tìm kiếm và thay đổi lộ trình phù hợp trong thời gian ngắn nhất. Một ứng dụng nữa của GPS chính là việc quản lý thú hoang dã bằng cách gắn lên chúng những con chip đã tích hợp GPS. Tất cả hoạt động của chúng sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Việt Nam cũng đang tiến hành thử nghiệm để áp dụng vào việc quản lý đàn sếu đầu đỏ ở miền Tây.

Ứng dụng phổ biến của GPS được các bạn trẻ quan tâm nhất hiện nay chính là việc sử dụng các thiết bị tích hợp GPS (PDA) cho việc du lịch, thám hiểm. Tọa độ và hướng di chuyển sẽ hiển thị rõ trên màn hình. Trong trường hợp khẩn cấp, người sử dụng có thể bắn tín hiệu về trung tâm để báo vị trí của mình và chờ giúp đỡ.

Riêng đối với TP Hồ Chí Minh, việc ứng dụng GPS trong việc quản lý các tuyến xe buýt hiện nay đang được triển khai. Cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoàn chỉnh, các doanh nghiệp vận tải chỉ cần trang bị các đầu thu (giá khoảng 30 - 60 USD/đầu thu) cho mỗi xe để quản lý phương tiện của mình.

Tình trạng xe buýt bỏ trạm, chạy quá tốc độ, đi sai tuyến hay bất cứ thái độ nào của nhân viên cũng được phát hiện dễ dàng bằng cách nắm bắt tọa độ của từng xe, qua đó kiểm tra hộp đen lưu trữ thông tin (Black box).

Chất lượng phục vụ trên xe buýt qua đó sẽ ngày càng hiệu quả hơn, thu hút người dân sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng, giảm bớt tiền trợ giá hàng năm cho các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng.