Tái tạo tế bào gốc từ tế bào da

08:31, 21/11/2007

Các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản đã bước đầu thành công trong việc biến đổi tế bào da ở người thành tế bào gốc với khả năng tạo ra bất kỳ loại mô nào của cơ thể, giống như tế bào gốc lấy từ phôi thai.

Bước đột phá này hứa hẹn đem lại một nguồn cung phong phú cho các nghiên cứu dùng tế bào gốc điều trị bệnh mà không bị phụ thuộc vào nguồn tế bào gốc lấy từ phôi thai - một vấn đề đang gây rất nhiều tranh cãi về mặt đạo lý.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản được công bố cùng lúc vào ngày hôm qua trên hai tạp chí Science (Khoa học) và Cell (Tế bào). Đến nay, người ta vẫn cho rằng, chỉ có tế bào gốc lấy từ phôi thai mới có khả năng vô hạn trong việc tạo ra bất kỳ loại tế bào nào trong số 220 loại tế bào của cơ thể con người. Nhưng nhiều nhà hoạt động xã hội phản đối việc sử dụng các tế bào này vì cho rằng phá huỷ phôi thai, dù dưới danh nghĩa khoa học, cũng là vô đạo đức.

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản (thuộc trường ĐH Kyoto) tiến hành tái tạo tế bào gốc từ da mặt của một người phụ nữ 36 tuổi, nhóm nghiên cứu của Mỹ (thuộc trường ĐH Wisconsin-Madison) tiến hành tái tạo tế bào gốc từ da bao quy đầu của một trẻ sơ sinh.

Về cơ bản, hai nhóm tiến hành các bước giống nhau. Mỗi nhóm đều dùng virus để cấy bốn gene vào tế bào da (tuy nhiên, hai trong số bốn gene của các nhóm nghiên cứu không giống nhau). Bốn gene đặc biệt này có nhiệm vụ điều khiển các gene khác, nhưng việc chúng biến đổi tế bào da thành tế bào gốc có tính chất giống như tế bào gốc lấy từ phôi thai như thế nào vẫn là điều bí ẩn.

Sử dụng tế bào gốc lấy từ da người có nghĩa là các điều trị chỉ liên quan đến một cá nhân, hạn chế tối đa khả năng đào thải. Kỹ thuật mới này không chỉ làm cho việc tạo ra phôi thai trong phòng thí nghiệm trở nên không cần thiết mà đồng thời còn đơn giản hơn, chính xác hơn so với kỹ thuật nhân bản gần đây.

Giáo sư Ian Wilmut, ĐH Edinburgh (Scotland), người đứng đầu nhóm nghiên cứu tạo ra cừu Dolly năm 1996, nhận xét, đây là một tiến bộ nổi bật.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện kỹ thuật này và nhằm bảo đảm độ an toàn của nó. Hiện tại, cả hai nhóm nghiên cứu của Mỹ và Nhật Bản đều phụ thuộc vào việc sử dụng virus để tạo ra các chất liệu mới cho tế bào mà điều này bản thân nó luôn tiềm ẩn nguy cơ.

Nhiều nhà khoa học ở các nước đã ca ngợi nghiên cứu này có ý nghĩa như việc “biến chì thành vàng”, và đánh giá ý nghĩa của nó không kém gì việc tái tạo được tế bào gốc từ phôi thai người cách đây chín năm.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nêu yêu cầu cần chấm dứt việc phụ thuộc vào virus và phải làm rõ tại sao hai kỹ thuật khác nhau lại cho kết quả giống nhau.


Thành công mới này cũng được đánh giá cao trên phương diện đạo đức vì nó giúp tái tạo tế bào gốc mà không cần đến nhân bản, không sử dụng phôi thai hay trứng của người, và không liên quan đến các phôi thai nhân tạo.

Nhà Trắng cũng hoan nghênh nghiên cứu này, cho rằng Tổng thống Bush luôn ủng hộ những nghiên cứu như vậy. Ông Bush đã hai lần phủ quyết các dự luật cho phép dùng tiền đóng thuế của người dân để tài trợ các nghiên cứu về phôi thai.