Xây dựng 6 trạm quan trắc động đất ở phía Nam

08:33, 30/11/2007

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu tiến hành khảo sát, đặt 6 trạm quan trắc động đất ở khu vực phía Nam... Dự kiến, các trạm quan trắc nói trên được đặt tại TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, An Giang và Cà Mau.

Ngày 29/11, PGS-TS Huỳnh Ngọc Sang, chuyên gia địa chất công trình - ĐH Quốc gia TP.HCM đã cho biết như trên.

Theo đó, 6 trạm quan trắc dự kiến sẽ được đặt tại các địa điểm sau: ĐH Quốc Gia - Thủ Đức, TP.HCM; ấp Phú Quý 1 - Xã Là Nga, Định Quán, Đồng Nai; ấp Rạch Đá - Định Thành, Dầu Tiếng, Bình Dương; núi Dinh Cố - Phước Trung, Tam Phước, Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu; ấp Tân Hiệp A - Ốc Eo, Thoại Sơn, An Giang; Hòn Đá Bạc - Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.

Đồng thời, Viện Vật lý Địa cầu - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết hợp với Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam đang trong giai đoạn thực hiện xây dựng bản đồ phân vùng động đất khu vực TP.HCM, tỷ lệ 1/50.000.

Theo PGS-TS Huỳnh Ngọc Sang, theo dõi các đợt rung động đất trong những năm gần đây, cho thấy chúng chưa gây ảnh hưởng thiệt hại đến công trình. Tuy nhiên, trong tương lai có xảy ra những trận động đất với cường độ lớn hơn 5 độ Richter không thì chưa ai dám chắc...

Điều đáng ngại là cho đến nay, Nhà nước chưa có quy phạm về kháng chấn trong xây dựng.

Trong khi đó, nền móng TP.HCM phần lớn là đất yếu. Trong kỹ thuật xây dựng, nền móng trên đất yếu không phải là điều đáng ngại nhưng vấn đề là phải có quy phạm kháng chấn nhằm tránh tối đa rủi ro do động đất.

Tuy nhiên, công trình có thiết kế kháng chấn sẽ tăng giá thành từ 15 - 20%.