Đơn vị đi đầu toàn quốc về sử dụng phần mềm nguồn mở

10:38, 07/12/2007

Đó là ghi nhận của Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của cơ quan Đảng đối với Tỉnh uỷ Thái Nguyên: Cài đặt xong phần mềm OpenOffice.org cho các máy trạm trong mạng diện rộng của Tỉnh uỷ, đồng thời chuyển sang trao đổi, lưu trữ các tài liệu điện tử theo định dạng ODF theo tiêu chuẩn ISO/IEC 26300:2006.

Công việc này xuất phát từ 3 văn bản quan trọng là: Nghị định số 63/2007/NĐ-CP ngày 10-4-2007 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10-4-2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 22-3-2007 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Từ 3 văn bản này, Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của cơ quan Đảng đã hướng dẫn một số điểm liên quan đến việc mua và sử dụng các phần mềm trong các dự án thuộc đề án 06. Theo đó, việc sử dụng phần mềm trong các cơ quan đảng phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật hiện hành của nhà nước về sở hữu trí tuệ. Cụ thể: Trong giai đoạn 2006-2010, Ban chỉ đạo định hướng sẽ chuyển sang sử dụng các hệ quản trị CSDL đi kèm với hệ điều hành nguồn mở.

Giải thích rõ hơn về hệ điều hành nguồn mở, ông Nguyễn Văn Học, Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Cơ yếu Văn phòng Tỉnh uỷ cho biết: Phần mềm máy tính có 2 loại: Phần mềm thương mại (đóng gói) phải mua bản quyền mới là người sử dụng hợp pháp, phần mềm nguồn mở là phần mềm cung cấp cho người dùng các quyền vốn bị cấm bởi bản quyền (không phải bỏ tiền mua bản quyền). Từ lâu nay, đa số người sử dụng các phần mềm máy tính trên máy vi tính của mình mà không biết mình có phải là người sử dụng hợp pháp hay bất hợp pháp, nếu áp dụng Điều 17 của Nghị định 63 sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng khi máy tính sử dụng phần mềm bất hợp pháp.

Việt Nam đã gia nhập WTO, việc chủ động thay đổi cho phù hợp với luật pháp quốc tế là hết sức cần thiết và các cơ quan khối đảng là nơi gương mẫu đi đầu.

Tuy nhiên, nếu mua bản quyền phần mềm cho tất cả các máy vi tính phải có số tiền rất lớn. Sử dụng mã nguồn mở có nhiều ưu điểm: Tiết kiệm chi phí, gần như miễn dịch với sự tấn công của các loại vius.

Chấp hành nghiêm pháp luật hiện hành của nhà nước về sở hữu trí tuệ, ngày 18-10-2007, Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã có kế hoạch số 34-KH/TU triển khai phần mềm văn phòng OpenOffice.org (phần mềm nguồn mở) dùng trong các cơ quan đảng tỉnh Thái Nguyên. Trong đó yêu cầu: Lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ các cơ quan đảng tỉnh sử dụng phần mềm văn phòng OpenOffice.org trên máy tính được trang bị từ dự án Tin học hoá hoạt động các cơ quan đảng tỉnh giai đoạn 2003-2006 và 2006-2010 cho các ứng dụng soạn thảo văn bản và bảng tính. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, chỉ trong thời gian ngắn (từ 18-10-2007 đến 1-11-2007), Văn phòng Tỉnh uỷ đã triển khai cài đặt xong phần mềm OpenOffice.org cho 211/229 máy vi tính của toàn đảng bộ; 186/204 máy của dự án (một số máy không thích hợp với sử dụng phần mềm OpenOffice.org).

Ông Nguyễn Văn Học cho biết thêm: Thời gian cài đặt OpenOffice.org cho 1 máy vi tính hết khoảng 10-15 phút cùng với tài liệu hướng dẫn sử dụng khoảng 10 trang A4 là người sử dụng có thể sử dụng được phần mềm này phục vụ cho soạn thảo văn bản và bảng tính, mà không cần sử dụng phần mềm MS Offices. Phần mềm OpenOffice.org có hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh để người dùng lựa chọn.

Với những lợi ích như vậy, theo ông Học, không chỉ có các máy vi tính trong dự án tin học hoá hoạt động các cơ quan đảng mới cần chuyển đổi, mà các máy tính của đơn vị, cá nhân khác cũng nên chuyển đổi sang sử dụng mã nguồn mở. Phòng Công nghệ- thông tin (Văn phòng Tỉnh uỷ) sẵn sàng giúp đỡ nếu có vướng mắc. Bởi, việc sử dụng phần mềm OpenOffice.org còn biểu hiện ý thức tôn trọng bản quyền, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế của người Việt Nam.