Mùa hè năm 2013 có thể sẽ không còn băng tại Bắc cực

03:56, 17/12/2007

Các nhà khoa học Mỹ vừa cảnh báo một hiện tượng thời tiết cực kỳ nghiêm trọng: băng ở các vùng biển Bắc cực có thể sẽ tan hết hoàn toàn vào mùa hè năm 2013.

Mùa hè 2007 diện tích băng phủ ở Bắc cực còn lại nhỏ nhất từ trước đến nay: 4,13 triệu km2. So với số liệu trung bình từ năm 1979 đến năm 2000 là 6,74 triệu km2, diện tích băng phủ đã mất đi 2,61 triệu km2, tương đương hai bang Alaska và Texas của Mỹ cộng lại, hay nói cách khác là gấp 10 lần diện tích vương quốc Anh.

Những nghiên cứu mới đây nhất của các nhà khoa học Mỹ cho thấy vùng biển Bắc cực sẽ hết băng hoàn toàn vào mùa hè chỉ trong vòng 5 đến 6 năm nữa.

Giáo sư Wieslaw Maslowski, nhà nghiên cứu của trường đào tạo sau đại học Naval, Monterey, California phát biểu trong một cuộc họp của Hiệp hội địa lý Mỹ rằng các nghiên cứu trước đó đã đánh giá không đúng mức quá trình băng tan.

Mùa hè năm nay, chỉ còn có 4,13 triệu km2 mặt biển có băng bao phủ. Đây là diện tích băng nhỏ nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý là số liệu này còn chưa được tính đến trong công trình nghiên cứu của giáo sư Maslowski và các đồng sự bởi vì họ chỉ sử dụng các số liệu thống kê từ năm 1979 đến năm 2004.

Ông Maslowski nói: “Công trình của chúng tôi không tính đến các số liệu thấp nhất là các năm 2005 và 2007. Chính vì vậy, cũng có thể dự đoán của chúng tôi rằng mùa hè năm 2013 băng tan hết đã trở nên lỗi thời”.

Nhóm của giáo sư Maslowski (bao gồm rất nhiều đồng sự làm việc tại Nasa và Học viện Hải dương học, Viện hàn lâm khoa học Ba Lan) rất nổi tiếng vì đã đưa ra thời điểm về thời gian băng tan ngắn hơn rất nhiều so với các nhóm khác.

Các nhóm khác đưa ra các thời hạn rất khác nhau nhưng nằm trong khoảng từ năm 2040 đến năm 2100.

Tuy nhiên, nhóm các nhà khoa học cùng với giáo sư Maslowski tin rằng các nhóm khác đã đánh giá không đúng mức một số điều kiện dẫn đến quá trình tan băng. Cụ thể, giáo sư Maslowski quả quyết rằng các nhóm trên cần phải kết hợp nhiều điều kiện như các dòng nước ấm đang chảy từ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương vào Bắc Băng Dương. Ông nói: Tôi khẳng định rằng các nhóm nghiên cứu trên đã đánh giá không đúng mức tác động của các nguồn nước ấm đổ vào Bắc Băng Dương theo nguyên lý bình thông nhau. Chúng tôi tính đến cả hai nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tan băng: một từ trên cao do nhiệt độ khí quyển và một từ dưới đại dương, tức các dòng nước ấm.

Diện tích băng phủ ở Bắc cực nhỏ nhất là vào tháng 9-2007 với 4,13 triệu km2, phá vỡ kỷ lục 5,32 triệu km2 vào năm 2005. Trong khi đó, diện tích băng trung bình tính từ năm 1979 đến năm 2000 là 6,74 triệu km2. Như vậy, so với năm 2007, diện tích băng phủ đã mất đi 2,61 triệu km2, tương đương diện tích của hai bang Alaska và Texas cộng lại, hay nói cách khác là gấp 10 lần diện tích vương quốc Anh.

Giáo sư Peter Wadhams, trường đại học Cambridge, vương quốc Anh là một chuyên gia về băng ở Bắc Cực. Ông cho biết: Tình trạng tan băng ở các biển Bắc cực sẽ mạnh hơn trong nhiều năm tới.

Sự tan băng này không phải là theo một chu kỳ nhưng cũng không phải là một hiện tượng bất ngờ. Lượng băng tan năm nay sẽ là tiền đề cho lượng băng tan của năm sau và mọi chuyện luôn xảy ra trong tình trạng tồi tệ hơn.

Cuối cùng, các khối băng tan một cách bất thình lình. Có thể nó không tan hết sớm vào năm 2013 nhưng cũng sẽ khá sớm, sớm hơn rất nhiều so với năm 2040.

Tiến sĩ Mark Serreze ở Trung tâm dữ liệu băng, tuyết quốc gia Hoa Kỳ (một tổ chức chuyên thu thập các số liệu về diện tích của Bắc Băng Dương để đưa ra các báo cáo) nói: Cách đây ít năm, tôi nghĩ, phải đến năm 2050, 2070 thậm chí là đến năm 2100 thì băng ở các biển Bắc Cực mới tan hết vào mùa hè bởi vì số liệu từ các mô hình nghiên cứu cho phép chúng ta nghĩ thế. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, các mô hình nghiên cứu đã không còn chính xác, và băng đang tan với một tốc độ cực nhanh. Tôi cho rằng đến năm 2030 băng ở các biển Bắc cực tan hết vào mùa hè không phải là điều quá vô lý.