Mỹ cho phép sản xuất thực phẩm từ động vật nhân bản

14:06, 15/01/2008

Chính phủ Mỹ đã bật đèn xanh cho việc sản xuất và đưa ra thị trường thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhân bản, một vấn đề đang gây rất nhiều tranh cãi ở nước này.

Sau sáu năm nghiên cứu, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) khẳng định, sữa và thịt của những con lợn, ngựa và dê nhân bản và các thế hệ con cháu của chúng đều an toàn đối với sức khoẻ con người.

Tuy nhiên, FDA chưa thể khẳng định, các sản phẩm từ cừu nhân bản có an toàn đối với sức khoẻ con người hay không.

FDA không kỳ vọng các sản phẩm từ động vật nhân bản sẽ được tiêu thụ nhiều vào thời điểm này do giá khá cao. Họ chỉ hy vọng động vật nhân bản trước hết sẽ được nuôi làm giống.

Những kết luận nói trên của FDA hầu như giống với kết luận ban đầu mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 12-2006. Kể từ đó, các thông tin khoa học mới đã củng cố thêm những quan điểm cơ bản của FDA. “Sau khi xem xét các dữ liệu và dư luận xã hội kể từ sau khi công bố các tài liệu ban đầu về nhân bản, chúng tôi đi đến kết luận rằng sữa và thịt của những con lợn, ngựa và dê nhân bản đều an toàn đối với sức khỏe con người như các thực phẩm chúng ta vẫn ăn hằng ngày,” ông Stephen Sundlof, Giám đốc Trung tâm An toàn thực phẩm và dinh dưỡng thuộc FDA, nói.

FDA cho biết họ sẽ không yêu cầu thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhân bản phải ghi rõ nguồn gốc.

FDA đã bị chỉ trích bởi những nhà hoạt động xã hội và chính trị gia, vốn không tin là đã có đủ cơ sở để khẳng định thực phẩm từ động vật nhân bản là an toàn.

Bà Barbara Mikulski, thượng nghị sĩ bang Maryland, đồng bảo trợ một dự luật sửa đổi đã được Thượng viện thông qua, theo đó đề nghị FDA không ra quyết định trước khi có thêm các nghiên cứu khác. Bà nói: “FDA đã hành động bất cẩn và tôi thất vọng sâu sắc về sự vội vàng của họ trong việc chấp nhận thực phẩm nhân bản”.

Lời chỉ trích của bà đã được ông Andrew Kimbrell thuộc Trung tâm An toàn thực phẩm, hưởng ứng.

Ông này nói: “Hành động ngoan cố của FDA là sự coi thường ý chí của cộng đồng và Thượng viện, và đó sẽ là nguồn gốc của tai họa”. Ông cho rằng FDA chưa thẩm định đầy đủ đối với các nghiên cứu do các công ty nhân bản, vốn chỉ muốn mau chóng đưa kỹ thuật nhân bản đến với người tiêu dùng, cung cấp.

Một cuộc điều tra năm 2005 do tổ chức Pew Charitable Trusts tiến hành cho thấy 2/3 số người tiêu dùng Mỹ không thích thú gì động vật nhân bản; gần một nửa trong số họ tin rằng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhân bản không an toàn cho sức khỏe.

Một số công ty thực phẩm của Mỹ cho biết họ không có kế hoạch kinh doanh các sản phẩm từ động vật nhân bản.

Tuy nhiên Smithfields, công ty chăn nuôi và sản xuất thịt lợn lớn nhất nước Mỹ, cho biết “sẽ tiếp tục theo dõi các nghiên cứu khoa học tiếp theo về vấn đề này” và cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm của mình “thông qua các con giống được chọn lọc kỹ lưỡng và các nghiên cứu về gene”.

Những người làm công tác nhân giống thì bày tỏ thái độ ủng hộ kỹ thuật nhân bản. “Ngành công nghệ sinh học hoan nghênh những thẩm định khoa học toàn diện của FDA về kỹ thuật sinh sản mới này,” ông Jim Greenwood, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tổ chức công nghệ sinh học, đại diện cho các công ty và và viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nói. “Nhân bản có thể giúp ích đắc lực cho người chăn nuôi trong việc cung cấp cho khách hàng những thứ họ muốn: thực phẩm chất lượng cao, an toàn, dồi dào và đủ dinh dưỡng về lâu về dài.”

Chính quyền Mỹ không cho rằng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhân bản sẽ sớm xuất hiện ồ ạt trên thị trường.

Tạo ra một động vật nhân bản tốn kém hơn nhiều so với việc nhân giống theo cách truyền thống. Bộ Nông nghiệp Mỹ tin rằng các công ty sẽ tạo ra các con vật nhân bản với những đặc tính như mong muốn, rồi nhân giống chúng và khai thác sản phẩm từ các thế hệ con cháu của chúng.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đề nghị các công ty chưa nên vội đưa các sản phẩm từ động vật nhân bản ra thị trường ngay, và tạm thời chưa hành động gì như hai bên đã thoả thuận từ năm 2001 khi FDA có cuộc tranh luận về vấn đề thực phẩm từ động vật nhân bản.

“Bộ Nông nghiệp khuyến khích ngành nhân bản tiếp tục tạm thời chưa hành động vội để có đủ thời gian chuẩn bị cho một cuộc chuyển đổi êm thấm khi đưa sản phẩm ra thị trường,” Bộ Nông nghiệp tuyên bố.

Những diễn biến về vấn đề nhân bản ở Mỹ cũng được châu Âu, nơi kỹ thuật nhân bản mới ở những bước đi đầu tiên, theo dõi sát sao.

Tuần trước, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu đã lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo chính sách của cơ quan này, theo đó, thực phẩm có nguồn gốc từ lợn, ngựa nhân bản về cơ bản giống với những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật được nhân giống theo phương pháp truyền thống; động vật nhân bản không có khả năng ảnh hưởng đến môi trường; có những vấn đề về sức khoẻ nhưng những vấn đề này sẽ không đáng kể do công nghệ sẽ hoàn thiện.

EU cũng nêu rõ, nếu thực phẩm nhân bản được chấp nhận thì chúng phải được ghi rõ nguồn gốc trên nhãn mác.

Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Mỹ, có thể dẫn đến những bất đồng trong thương mại, tương tự như những tranh cãi kéo dài và tốn kém giữa EU và Mỹ về vấn đề thực phẩm biến đổi gene.