Sắp có sao chổi ngang qua Trái đất

09:25, 25/01/2008

Một sao chổi dài ít nhất 150m sẽ “lướt qua” Trái đất của chúng ta vào tuần sau. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định lần “ghé thăm hụt” hiếm có này sẽ không gây tác động gì đến hành tinh xanh.

Thiên thể, được đặt tên là 2007 TU24, sẽ “lướt qua” trái đất vào thứ ba tuần sau, ở khoảng cách gần nhất là khoảng 540.000km, bằng 1,4 khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng.

Theo giám đốc của Văn phòng chuyên theo dõi các thiên thể bay gần trái đất của Nasa, Don Yeomans, có thể quan sát thấy hình ảnh sao chổi này lờ mờ qua một kính viễn vọng kích cỡ trung bình.

Ông cũng khẳng định, 2007 TU24 “sẽ không có cơ hội va chạm hay gây ảnh hưởng đến trái đất”.

Theo tính toán, trung bình khoảng 37.000 năm mới có một vụ va chạm thực sự giữa một thiên thể có kích cỡ tương tự như 2007 TU24 và trái đất.

Tháng 10 năm ngoái, kính viễn vọng Catalina Sky Survey ở Arizona đã quan sát thấy 2007 TU24. Ước tính nó dài khoảng từ hơn 150-600m. Và vào năm 2027 sẽ có một vật thể tiếp theo có kích cỡ tương tự như 2007 TU24 ngang qua trái đất.

Các nhà khoa học hiện đang lên kế hoạch lắp đặt kính viễn vọng radar Goldstone ở California và kính viễn vọng radar Arecibo ở Puerto Rico để theo dõi các vật thể và đường đi của chúng trước và sau khi chúng tiến gần trái đất nhất. Các nhà nghiên cứu sẽ dùng các kính viễn vọng này để theo chu kỳ luân chuyển cũng như kết cấu của chúng.