Ngân hàng tế bào gốc đi vào hoạt động

08:43, 02/03/2008

Ngày 1-3, một công ty Singapore đã ký chuyển giao công nghệ ngân hàng tế bào gốc cho Việt Nam. Cùng ngày, tại Hà Nội, Công ty CordLabs (Singapore) đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phân lập và bảo quản tế bào gốc cho Việt Nam.

Buổi lễ ký kết dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Ban điều phối Nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, các bác sỹ, nhà khoa học đang làm việc trong lĩnh vực tế bào gốc.

Theo PGS.TS Phan Toàn Thắng, nhà nghiên cứu tế bào gốc hiện đang giảng dạy tại ĐH Quốc gia Singapore và đồng thời là đại diện CellResearch Corporation, trong thời gian qua, đã có rất nhiều kết quả mới trong quá trình điều trị như: Tổn thương da, xương, điều trị bệnh tiểu đường, tế bào thần kinh... Hình thức chuyển giao công nghệ là Công ty Mekophar cử cán bộ sang Singapore học và PGS.TS Phan Toàn Thắng sẽ về nước trực tiếp kiểm tra quy trình thực hiện phân lập và bảo quản tế bào gốc từ rốn ở Công ty Mekophar.

Theo DS. Huỳnh Thị Lan - Giám đốc Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar hợp đồng kéo dài trên 20 năm. Về trị giá của hợp đồng, hai bên đang xem xét theo luật quốc tế và của VN. Dự kiến, Ngân hàng cuống rốn sẽ đi vào hoạt động từ quý II năm 2008.

Mỗi một cuống rốn có thể lưu trữ trong ngân hàng tế bào gốc trong vòng 25 năm. Giá gửi vào ngân hàng là hơn 2.000 USD đối với cả hai màng rốn và cuống rốn. Nếu chỉ gửi một loại màng rốn hoặc cuống rốn, giá sẽ thấp hơn.

Cách gửi cuống rốn và ngân hàng là sau khi người mẹ sinh con, các bác sỹ sẽ lấy cuống rốn và xử lý ngay tại chỗ. Mekophar kết hợp với các bệnh viện phụ sản, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện An Sinh... sau khi xử lý xong sẽ chuyển giao ngay về ngân hàng lưu trữ tại TP.HCM. Đối với các bệnh viện ở các tỉnh xa, Mekophar hướng dẫn cho các bác sĩ quy trình xử lý, mang trữ lạnh theo đúng yêu cầu và nhiệt độ của Ngân hàng và chuyển ngay về trung tâm lưu trữ tại TP.HCM.

Sau khi cuống rốn đưa vào ngân hàng sẽ đưa vào biệt hóa tế bào và lưu trữ, khi khách hàng có nhu cầu điều trị đến ngân hàng lấy tế bào đã được biệt hóa này để điều trị.

Hiện Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar đã đã bắt đầu tách thành công tế bào gốc máu dây rốn đạt hiệu suất trên 90% tổng số tế bào đơn nhân từ máu dây rốn.

Mục đích của hợp đồng chuyển giao công nghệ là phục vụ cho nghiên cứu và thương mại hóa theo nhu cầu của cá nhân và xã hội. Đối với mục đích nghiên cứu, nếu nhóm nghiên cứu nào muốn sử dụng các tế bào gốc từ cuống rốn để nghiên cứu có thể đăng ký qua Bộ KHCN và có ủy ban phản biện, thẩm định...

Đối với cá nhân, dùng tế bào gốc cuống rốn điều trị bệnh cho cả gia đình cùng huyết thống trong tương lai. Nếu trong gia đình có ai đó không may bị tổn thương hoặc mắc một căn bệnh nào đó cần điều trị bằng tế bào gốc có thể đến ngân hàng lấy các tế bào này để điều trị giống như bảo hiểm sức khỏe cho cả gia đình.