Dùng máy bay điều khiển từ xa để khám phá lốc xoáy

15:27, 27/05/2008

Các nhà khoa học khí tượng Mỹ dùng máy bay không người lái, điều khiển từ xa đi vào tâm của các cơn lốc xoáy trên Đại Tây Dương. Những bức ảnh chụp, thông tin về nhiệt độ, áp suất, gió và độ ẩm được cập nhật liên tục sẽ giúp họ dự báo chính xác hơn về cường độ, diễn biến của các cơn lốc xoáy.

Tuy nhiên, các nhà khoa học phải phóng các máy bay không người lái từ phía đông đảo Barbados trên biển Caribbean. Cơ quan quản lý hàng không Mỹ không cho phép các máy bay nhỏ này hoạt động trên lãnh thổ Mỹ với lý do có thể gây nguy hại cho các máy bay khác.

Dẫu vậy, các nhà nghiên cứu bão rất tin tưởng vào những máy bay không người lái của mình. Chúng được thiết kế như máy bay thông thường nhưng có thể điều khiển từ vệ tinh. Nhờ những máy bay này, các nhà khoa học sẽ có thêm nhiều bức ảnh về tâm của các cơn lốc xoáy, thứ mà xưa nay họ chưa thể làm được.

Những chiếc máy bay này có thể bay thẳng vào mắt bão ở khoảng cách gần 100m trên mặt biển và liên tục gửi về trung tâm những thông tin về nhiệt độ, áp suất, gió và độ ẩm.

Joe Cione, một nhà nghiên cứu khí tượng thuộc Cơ quan nghiên cứu Khí quyển và Đại dương Mỹ nói: Những máy bay điều khiển từ xa này sẽ giúp chúng ta lấy được các số liệu quan trắc mà xưa nay con người không thể lấy được. Chúng sẽ bay vào vùng tâm bão, nơi cực kỳ nguy hiểm vì sức gió mạnh nhất ở đây. Nhờ những số liệu đo đạc được, chúng ta sẽ có thể hiểu rõ hơn về sự giải phóng năng lượng khỏi mặt biển trong các cơn bão lốc.

Máy bay không người lái được công ty Aerosonde Pty Ltd của Australia sản xuất, có giá khoảng từ 50 nghìn đến 80 nghìn USD, chiều dài của thân hơn 2m, sải cánh 2,7m, chỉ nặng có 12,7kg.

Những chiếc máy bay này nhỏ hơn và đơn giản hơn so với loại quân đội Mỹ sử dụng để do thám trong chiến tranh. Được vận hành bằng một mô- tơ 24cc, một cánh quạt đơn, chúng có thể bay với tốc độ khoảng 113km/h và lượn quanh một khu vực rộng hơn 3000 km mà chỉ tiêu tốn 2,5 lít nhiên liệu.

Người ta phóng máy bay này lên bằng bệ phóng hoặc đặt chúng trên các phương tiện giao thông đang chạy. Thoạt tiên, máy bay bay lên nhờ cần điều khiển bằng tay, sau đó các nhà khoa học kiểm soát nó bằng máy tính xách tay và cuối cùng, quyền điều khiển được chuyển qua vệ tinh.

Những máy bay không người lái mà các nhà khoa học sử dùng trước đây thường bay vào trong các cơn lốc xoáy ở độ cao khoảng hơn 3000m. Trong khi đó, máy bay Aerosonde bay vào tâm lốc chỉ với khoảng cách chưa đầy 100m trên mặt biển, nơi nguồn năng lượng khủng khiếp thoát ra từ mặt biển vào cơn bão.

Bước tiến lớn

Với những thông tin được thu thập liên tục, có thể nói máy bay do thám không người lái Aerosonde là một bước tiến lớn giúp hoàn thiện những số liệu quan trắc rời rạc mà các nhà khoa học có được từ xưa đến nay. Trước kia, các nhà khoa học dùng máy bay thả những hộp đựng dụng cụ thăm dò vào trong cơn bão, trên đường rơi xuống đất, chúng sẽ chụp lại các hình ảnh.

Nhà khoa học Cione nói: Việc thu thập dữ liệu bằng cách thả hộp do thám chỉ cho kết quả ảnh chụp; trong khi với máy bay Aerosondes là phim, dữ liệu được đo đạc liên tục và không phụ thuộc vào thời gian rơi.

Những bức ảnh chất lượng tốt chụp từ chính tâm bão, cho thấy rõ sự thay đổi về nguồn năng lượng từ mặt biển sẽ giúp các nhà khoa học dự báo về bão lốc tốt hơn.

Các nhà khoa học đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để nghiên cứu lốc xoáy từ năm 2005 với con bão nhiệt đới Ophelia. Năm ngoái, một máy bay không người lái đã làm một hành trình 17,5 giờ trong cơn bão lốc Noel. Năm nay, các nhà khoa học dự định sẽ tiến hành từ hai đến năm chuyến bay.

Tuy nhiên, ít nhất trong mùa bão lốc này (bắt đầu từ ngày 31- 5 này và kéo dài trong sáu tháng), những máy bay không người lái phải hoạt động rất xa bờ biển Mỹ. Cơ quan quản lý hàng không liên bang không cho phép Cơ quan nghiên cứu Khí quyển và Đại dương quyền bay trên lãnh thổ Mỹ vì lý do an toàn cho các máy bay dân dụng khác.