Nhiều nhà khoa học bỏ nghiên cứu vì lương thấp

09:50, 20/05/2008

Sau khi đi nghiên cứu sinh ở Bỉ về, anh Phạm Huân, cán bộ Viện Khoa học Việt Nam đã chấp nhận bị phạt tiền để được ra làm cho công ty nước ngoài, với mức lương đến cả nghìn USD. Lý do của anh là lương ở viện quá thấp không thể nuôi nổi một đứa con.

Tình trạng ra đi vì lý do giống anh Huân phổ biến tại nhiều viện nghiên cứu, đặc biệt là trong tình hình lạm phát, giá cả tăng cao như hiện nay. Lương của các nhà nghiên cứu hiện được tính như lương công chức, tức là lương tối thiểu nhân với hệ số. Chính vì vậy, một nhà nghiên cứu lâu năm cũng chỉ nhận được vài ba triệu đồng mỗi tháng.

Chị Mai, một cán bộ có thâm niên gần chục năm tại viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết ngoài lương cơ bản, mỗi tháng chỉ có thu nhập thêm 300-400 nghìn đồng từ việc làm đề tài. Với tổng thu hòm hòm 2 triệu đồng mỗi tháng, chỉ đủ trả tiền thuê nhà và ăn uống tùng tiệm trong tình trạng lạm phát hiện nay, chị Mai không hề có tích lũy và cũng chẳng biết sẽ sống thế nào trong thời gian tới.

"Thực ra, đơn vị của tôi có đặc thù phải đi công tác xa mới có thêm thu nhập. Tôi là nữ, sức khỏe cũng yếu, nên không đi được thường xuyên, do vậy thu nhập cũng không cao", chị Mai thừa nhận. Nhưng chị cũng khẳng định nếu có điều kiện, vẫn sẽ chuyển việc.

Hơn chị Mai ở chỗ làm đúng ngành chứ không phải là tay ngang, song chị Thu, một cán bộ Viện công nghệ sinh học, đã lấy bằng tiến sĩ tại Đức, cũng chạnh lòng vì lương quá thấp. "Lương bậc ba được khoảng 1,5 triệu, cộng với 1 triệu tiền dự án, mỗi tháng tôi có 2,5 triệu, không đảm bảo cuộc sống", chị nói.

"Nhiều người trong viện đã ra đi vì lý do này rồi. Tôi cũng từng nhận được lời mời làm việc tại một công ty nước ngoài, với lương tối thiểu là gấp đôi, song vẫn đang cân nhắc vì tôi biết ra ngoài sẽ không có điều kiện nghiên cứu như trong viện, không được làm đúng chuyên môn mình đã học", chị nói.

Những người yêu nghề, trăn trở và muốn ở lại các cơ quan nghiên cứu vì chính chuyên môn của mình như chị Thu không phải là nhiều. Với phái nữ, đa phần họ cố gắng bám trụ lại trong tình hình hiện nay là do công việc ổn định, có thời gian cho gia đình, hoặc đã quen rồi, không muốn chuyển đổi, hoặc đã có một hậu phương vững chắc... Một số khác, do làm chuyên môn nghiên cứu quá sâu, nên cũng không thể tìm được công việc phù hợp bên ngoài.

Đa số người rời khỏi các viện nghiên cứu là nam giới, những người năng động, có năng lực có thể làm cho các công ty, hoặc do áp lực về kinh tế quá lớn. Số trụ lại thường phải chạy sô với các công việc bên ngoài.

Tiến sĩ Trần Trọng Huệ, Viện trưởng Viện địa chất, thừa nhận lương của các cán bộ nghiên cứu trong viện ông là "rất thấp, nhất là so với thời giá khó khăn hiện nay". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc có thu nhập thêm hay không còn phụ thuộc vào sự năng động của mỗi người. Nhóm nào năng động thì chắc chắn có thu nhập khá hơn, và khi đó việc họ ở lại hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như môi trường làm việc... Chính vì vậy, "cần câu" người của Viện là cho đi đào tạo lên cao, cả trong và ngoài nước.

Ngoài một số viện nghiên cứu có thêm mảng ứng dụng, cho phép làm dịch vụ, hoặc thực hiện đề tài giúp cán bộ thêm thu nhập, thì phần nhiều các đơn vị nghiên cứu thu nhập vẫn trông vào lương là chính. Tuy nhiên, ngay cả với các khoản làm thêm nói trên, không phải ai cũng có thể được tham gia. Ở một số viện, chỉ có các tiến sĩ hoặc người có chức vụ cao mới được đứng tên làm chủ nhiệm đề tài, các nhân viên khác chỉ được tham gia cùng. "Nếu chủ nhiệm đề tài nào "phóng khoáng", nhân viên còn được có chút ít, chứ chủ nhiệm mà cứ im ỉm, phát bao nhiêu cho lĩnh bấy nhiêu thì nhân viên rất thiệt thòi", chị Mai tâm sự.

Chính vì lương cho các nhà khoa học quá thấp, nên họ không thể toàn tâm toàn ý cho công việc nghiên cứu, mà phải lo chạy kinh tế. Việc này dẫn đến hậu quả là các sản phẩm nghiên cứu cũng chỉ ở mức tạm được, chưa thực sự có tính đột phá và phát huy hiệu quả, nhiều sản phẩm nghiên cứu làm ra phải để trong ngăn kéo.

Chị Thu cho biết, tại Đức, các nhà nghiên cứu không phải lo kiếm sống. Họ chỉ phải chú tâm vào công việc của mình thôi. Đó là vì công việc của họ được đánh giá cao, phân cấp rất rõ ràng. "Mỗi bậc khác nhau là có mức lương cũng như trách nhiệm khác hẳn nhau, không đánh đồng như ở ta. Chẳng hạn cán bộ đại học có lương chỉ bằng 1/2 so với một tiến sĩ nghiên cứu cơ bản".

Chính vì chuyên môn hóa như vậy, nên theo chị Thu "công tác nghiên cứu của họ rất chuyên nghiệp, bài bản, mỗi chuyên gia chỉ làm một vấn đề nhất định, và hợp tác giữa họ rất sâu, trong khi ở Việt Nam, một chuyên gia, có thể không giỏi chuyên môn lắm, nhưng lại làm từ A đến Z, dẫn đến một kết quả nghiên cứu cũng ''làng nhàng''.