Cánh tay sinh học điện tử đoạt giải nhất công nghệ cơ khí

14:34, 10/06/2008

Cánh tay sinh học điện tử tiên tiến nhất thế giới, hiện đã có trên thị trường vừa đoạt giải cao nhất về công nghệ cơ khí của vương quốc Anh.

Cánh tay giả i-LIMB với năm ngón riêng biệt, có khả năng vận động rất tốt đã đánh bại ba đối thủ khác trong vòng chung kết để đoạt giải thưởng MacRobert năm nay ở Anh.

Thiết bị sinh học điện tử này đã được lắp đặt cho hơn 200 người, trong đó có cả những lính chiến Mỹ bị mất chi trong cuộc chiến tranh Iraq.

Lần đầu tiên, thiết bị này được sản xuất là năm 1963, tại Scotland trong khuôn khổ dự án giúp đỡ những trẻ em bị khuyết tật do ảnh hưởng của thuốc an thần Thalidomide (thuốc này có tác dụng an thần, giảm đau; năm 1961, người ta phát hiện khi các phụ nữ mang thai uống thuốc, thai nhi có thể bị biến dạng, dị tật).

Thiết bị rất phức tạp này đã được tung ra thị trường vào tháng 7- 2007 do công ty Touch Bionic sản xuất.

Phương thức hoạt động

Thật là một phát minh tuyệt vời- ông Ray Edwards, một người bị cụt tay và là người đầu tiên ở vương quốc Anh được lắp tay giả i-LIMB nhận xét về sản phẩm này.

- Khi cánh tay được lắp vào, tôi cảm động rơi cả nước mắt. Lần đầu tiên sau 21 năm, tôi có thể mở được bàn tay. Tôi có thể giơ được ngón tay cái lên tỏ vẻ tán thưởng, có thể cầm bút viết và làm được rất nhiều việc mà trước đó tôi đành bó tay.

i-LIMB đã vượt qua ba đối thủ cạnh tranh để đoạt giải thưởng cơ khí của Viện Hàn lâm Hoàng gia trong buổi lễ tổ chức tại Luân Đôn.

Những đối thủ cạnh tranh của i-LIMB bao gồm: một hệ thống robot được thiết kế để trông chừng các mẫu sinh học trong điều kiện nhiệt độ dưới 0oC; một bộ cảm ứng hóa học có thể phát hiện sớm bệnh và một bộ lọc khí dành cho các xe hơi chạy bằng dầu diesel.

i-LIMB được thiết kế dựa trên một ý tưởng của các nhà nghiên cứu thuộc Sở Y tế quốc dân Anh.

Stuart Mead nhà lãnh đạo công ty Touch Bionics giải thích: Cánh tay giả này có hai nét đặc biệt. Một là, chúng tôi đã đặt trong mỗi ngón tay một motor, cho phép chúng có thể hoạt động độc lập và gập lại được theo từng đốt. Hai là ngón tay cái có thể quay một góc 90 độ, tương tự như ngón cái của người bình thường. Đây là cánh tay giả đầu tiên trên thế giới giống về mặt hình thức và cùng chức năng với cánh tay người.

Các công ty và tổ chức khác chẳng hạn như Cơ quan Vũ trụ hàng không Mỹ Nasa và các cơ sở nghiên cứu quân sự cũng nghiên cứu, chế tạo ra rất nhiều cánh tay giả tiên tiến. Tuy nhiên, tất cả những cánh tay loại này hiện đang còn trong phòng thí nghiệm, chỉ có i-IMB là đã có mặt trên thị trường.

Điều đáng nói là người khuyết tật không cần phải phẫu thuật khi lắp cánh tay giả vào phần chi còn lại. Có hai điện cực gắn trên da bệnh nhân để cảm nhận các tín hiệu thần kinh. Các tín hiệu này được truyền vào máy tính gắn ở phần lưng của cánh tay để xử lý và ra lệnh cho các cơ bắp làm việc.

Cho đến nay, cánh tay giả đã được lắp đặt cho hơn 200 bệnh nhân trên toàn thế giới, trong đó có cả ông Edwards, chủ tịch Hội người khuyết chi.

Công ty Touch Bionics đang chuẩn bị cải tiến thiết kế của i-LIMB cũng như mở rộng thêm phạm vi của các thiết bị giả thông minh. Họ muốn tạo ra một hệ thống đồng bộ của một cánh tay, và hiện đã có đủ mẫu cổ tay, khuỷu tay và vai.